Lỗ hổng tinh vi để hàng Trung Quốc né thuế Mỹ
Nếu dựa trên thị phần nhập khẩu thông qua de minimis của Trung Quốc, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ lớn hơn 13% so với Trung Quốc và lớn hơn 5% so với thế giới
Dọc biên giới Mỹ và Mexico, những hàng xe tải chậm chạp nối nhau chạy vào xứ sở cờ hoa là điều thường thấy. Nhưng gần đây, hình ảnh tương tự lại được bắt gặp tại cửa khẩu Otay Mesa - nơi ngăn cách California và TP. Tijuana. Có điều, các phương tiện này không hướng về Mỹ mà lại xếp hàng để vào Mexico.
Dù vậy, chúng không đi xa, mà chỉ chở các container của mình đến những nhà kho mới được xây dựng cách biên giới 15km về phía Nam. Tại đây, hàng hóa từ các container được dỡ xuống rồi chia thành hàng nghìn gói nhỏ để lên đường trở lại Mỹ. Điều đặc biệt là dù những mặt hàng nhập khẩu như vậy được sản xuất ở Trung Quốc và bán tại Mỹ, chúng hoàn toàn không phải chịu thuế! Nói cách khác, để thuế về “mo”, chỉ cần 2 lần bước qua cửa khẩu Tijuana.
Trên thực tế, “hai bước” hiện là cách nhiều nhà bán lẻ lợi dụng một lỗ hổng trong bộ quy tắc thương mại của Mỹ còn được gọi là miễn trừ “de minimis”, nghĩa là “quá nhỏ để xem trọng”. Theo đó, quy tắc vừa nêu cho phép các lô hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Trong năm nay, hơn 1,4 tỷ lô hàng, trị giá ít nhất 66 tỷ USD, dự kiến sẽ được miễn thuế, tăng từ 500 triệu gói vào năm 2019.
Đương nhiên, quy định này và việc nó bị lợi dụng đã phơi bày những sai sót trong chiến lược thuế Mỹ. Các nhà bán lẻ truyền thống nhập khẩu từ Trung Quốc phải trả thuế, trong khi đối thủ nước ngoài của họ hoàn toàn né được chúng. Nhưng ở một mặt khác, mong muốn vá lỗ hổng này của một số nhà lập pháp cũng vấp phải khó khăn vì sẽ gây ảnh hưởng đến người dân nghèo ở Mỹ.
Lỗ hổng nằm ngay ở cửa khẩu
Lượng giao dịch thông qua miễn trừ, chủ yếu là các lô hàng nhỏ được nhập khẩu thông thường, thay vì bất kỳ thủ đoạn lợi dụng lỗ hổng nào để gian lận, hiện đã lớn đến mức làm sai lệch dữ liệu quốc gia. Ví dụ, 7 trong số 10 bưu kiện de minimis đến từ Trung Quốc. Riêng Shein và Temu - 2 nhà bán lẻ trực tuyến lớn có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, đã chiếm tới 3/10 gói.
Nếu dựa trên thị phần nhập khẩu thông qua de minimis của Trung Quốc, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ lớn hơn 13% so với Trung Quốc và lớn hơn 5% so với thế giới. Phát hiện này có thể giúp tìm ra lời đáp cho một vấn đề ngày càng lớn trong số liệu thống kê thương mại Trung - Mỹ. Trung Quốc cho biết họ xuất khẩu nhiều hơn khoảng 73 tỷ USD so với số tiền mà Mỹ nghĩ bản thân nhận được và một số nhà kinh tế tin rằng khoảng cách thực sự có thể lên tới hơn 150 tỷ USD. Số liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) - một cơ quan thực thi pháp luật, cho thấy ít nhất 37 tỷ USD trong mức chênh lệch vừa nêu đến từ hàng hóa dưới ngưỡng 800 USD.
Tuy nhiên, con số thực tế về de minimis có thể còn lớn hơn nữa vì số liệu của CBP dựa trên các giá trị do người vận chuyển nước ngoài nhập - những người vừa không được đào tạo vừa không có lý do để khai báo hàng hóa một cách chính xác. Theo dữ liệu từ các hãng vận chuyển tư nhân, có tới 16% lô hàng được cho là có giá từ 1 USD trở xuống.
Hơn nữa, ngoài việc gửi hàng dưới 800 USD, một số người bán thậm chí còn khai khống giá trị hàng hóa để lợi dụng ngưỡng miễn trừ này.
Điều này cũng có thể được diễn giải là người tiêu dùng chọn các mặt hàng rẻ hơn để tránh thuế, nhưng sự chênh lệch lên đến hơn 50% như vừa nêu không thể hoàn toàn đến từ sự lựa chọn đó. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ gần đây phát hiện ra rằng gần 10% lô hàng vi phạm quy tắc nhập khẩu, với điển hình vi phạm thường là liệt kê sai nội dung hoặc giá trị của hàng được nhập.
Ngoài ra, một cách khác để chui qua “lỗ hổng” được CBP gọi là “tái cấu trúc”. Cụ thể, người gửi sẽ chia một đơn hàng có giá trị cao từ một khách hàng thành nhiều lô đủ điều kiện miễn thuế. Nhiều nền tảng thương mại điện tử khuyên người mua chia nhỏ đơn khi một giỏ hàng vượt quá ngưỡng 800 USD, miễn là các đơn đặt cách nhau 24 giờ.
Hai bước ở Tijuana là một cách giải quyết khác để hợp pháp lách luật. Theo đó, các container sẽ đến Mỹ trước khi được vận chuyển bằng các xe tải “có bảo lãnh” tới Mexico, nghĩa là hàng hóa sẽ được xử lý như thể chúng chưa nhập cảnh vào Mỹ. Khi đến một trung tâm phân phối của Mexico, chúng sẽ được chia thành các lô nhỏ hơn và gửi trở lại Mỹ, với giá dưới 800 USD. Theo Divey Gulati của công ty hậu cần ShipBob, hành động này giúp người bán tiết kiệm 6-12% cho một lô hàng.
Những người hưởng lợi từ de minimis
Đương nhiên, những người hưởng lợi lớn từ lỗ hổng này bao gồm các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng việc né thuế cũng tạo ra lợi ích bất ngờ cho người tiêu dùng Mỹ.
Các thị trấn biên giới và những người tìm việc tại đó là một nhóm khác cũng hưởng lợi. Số làn đường thương mại tại cửa khẩu Otay Mesa đã tăng gấp đôi trong năm qua, thời gian chờ xe tải vào Mexico đã tăng do nhu cầu lên cao và hiện nhiều công ty đang nhanh chóng xây dựng kho hàng. DHL đã xây 15 nhà máy tại Mexico kể từ năm 2016, trong khi diện tích sàn công nghiệp ở phía Mỹ của Otay Mesa - nơi các lô hàng được tiếp nhận trước khi phân phối, đã tăng 45% kể từ năm 2019. Còn Amazon đã xây dựng 340.000m2 kho bãi trên khắp Otay Mesa và Tijuana vào năm 2021 - 2022.
Dù vậy, cũng có những bên thua cuộc. Làn sóng lô hàng de minimis, chủ yếu chứa đầy quần áo giá rẻ, đang tấn công vào ngành dệt may vốn được bảo vệ chặt chẽ của Mỹ. Theo nhiều đại diện của ngành, 18 nhà máy bông đã đóng cửa kể từ mùa hè năm ngoái. Còn các nhà bán lẻ có cửa hàng thực tế nhận lô hàng với số lượng lớn nên không thể tránh được thuế quan.
Ví dụ, các nhà bán lẻ nhập áo phông từ Trung Quốc phải trả thuế 16,5%, thuế riêng của Trung Quốc là 7,5%, cũng như phí môi giới và hải quan. Điều này một phần giải thích tại sao Shein có thể niêm yết các mặt hàng thời trang nữ với giá rẻ hơn trung bình 39-60% so với H&M. Nhà bán lẻ này đã phải trả 205 triệu USD tiền thuế nhập khẩu vào năm 2022, trong khi GAP trả 700 triệu USD. Ngược lại, Shein và Temu không phải trả bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào, theo báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ.
Theo Khandelwal và Fajgelbaum, nếu không có quy tắc miễn trừ, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 7,8 tỷ USD tiền thuế vào năm 2021. Nếu bao gồm cả các khoản phí, thì người tiêu dùng có thể tiết kiệm được 22 tỷ USD/năm, hay 69 USD/người. Các gia đình nghèo hưởng lợi nhiều nhất vì họ là những người tiêu dùng lớn nhất của hàng giá rẻ Trung Quốc. Thật vậy, cứ hai lô hàng de minimis từ Trung Quốc thì có 1 sẽ đến các nơi có mã bưu chính nghèo nhất, so với mức 1 trong 5 của những người giàu nhất.