Thời sự

TP.HCM sẽ tổng kiểm tra hoạt động của các hội, quỹ trong năm 2024

Bạch Khởi 10/07/2024 10:59

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trong số các hội ra đời cũng có những tổ chức còn trên danh nghĩa là nhiều chứ không thực chất. Do đó, ông đề nghị tổng kiểm tra hoạt động của các hội, quỹ trên địa bàn Thành phố trong năm 2024. Qua đó, xác định rõ những hội nào "chết", trường hợp nào cần sáp nhập để "sống", trường hợp nào "sống khỏe"….

Chiều 9/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã tham dự hội nghị tổng kết công tác quản lý về hội - quỹ trên địa bàn Thành phố năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do UBND TP.HCM tổ chức.

Sau khi lắng nghe tình hình hoạt động của các tổ chức hội trên địa bàn Thành phố, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã phát biểu kết luận hội nghị. Theo đó, ông Võ Văn Hoan đánh giá, bên cạnh một số hội ra đời và hoạt động mạnh mẽ, còn có nhiều hội hoạt động khó khăn. Trong đó, tổ chức hội nào dựa vào Nhà nước nhiều thì càng khó khăn nhiều.

“Nhà nước lo được một phần nhưng đâu đáp ứng được yêu cầu của hội, hội phải mở rộng mặt trận của mình ra để dung nạp những nguồn lực khác”, ông Hoan nêu rõ và cho rằng hoạt động hội nói chung phải hướng theo xu thế huy động nguồn lực.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc ra đời là rõ nhưng hoạt động để hội trở nên có uy tín, để huy động các nguồn lực mới là câu chuyện cần suy nghĩ. Điều này không phải tổ chức hội nào cũng làm được và hoạt động ngày càng yếu dần.

“Có những hội chết rồi nhưng vẫn chưa khai tử”, ông Hoan nói và khẳng định trong số các hội ra đời cũng có những tổ chức còn trên danh nghĩa là nhiều chứ không thực chất. Hội nào yếu quá thì có thể tự giải thể chứ không nên sống lay lắt.

img-4819-7982.jpg

Từ thực tế trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các hội, quỹ phải tự rà soát, tự chỉnh đốn, tự soi, tự sửa để trưởng thành hơn trong thời gian tới. Các đơn vị chỉ nên xem Nhà nước là “điểm tựa chứ không phải toàn thân dựa vào”, vì mục tiêu hoạt động, đóng góp cho xã hội.

Cùng với đó, phương thức hoạt động cũng phải đổi mới theo hướng xây dựng thương hiệu của hội; hoạch định tương lai, chiến lược phát triển; kiên trì tổ chức các hoạt động mang tính truyền thống, xã hội có hiệu quả. Mỗi hội nên có một số lực lượng nòng cốt, một số doanh nghiệp nòng cốt… để có nguồn tài trợ hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cần thực hiện theo phương thức hỗ trợ, giám sát và chia sẻ, tạo điều kiện để hội phát triển. “Các địa phương, các ngành có các hội trực thuộc phải có trách nhiệm tổ chức định kỳ gặp gỡ, xem xét giải quyết các vướng mắc, khó khăn và trong điều kiện nào đó có thể kết nối với các đối tượng, mối liên hệ cần thiết để tăng nguồn lực cho các hoạt động của các hội”, ông Hoan gợi mở.

Dịp này, lãnh đạo TP.HCM đề nghị tổng kiểm tra hoạt động của các hội, quỹ trong năm 2024, trong đó từng quận, huyện, địa phương nên tổ chức kiểm tra và rà soát. Theo ông Hoan, kiểm tra không phải để xử lý mà để giúp uốn nắn, qua đó xác định rõ những trường hợp nào "chết", trường hợp nào cần sáp nhập để "sống", trường hợp nào "sống khỏe"…

Đồng thời, ông Hoan cũng nhấn mạnh việc sẽ kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động hội, quỹ, trong đó có luật về hội, quỹ và nghị định triển khai thực hiện theo yêu cầu, cơ chế mới cũng như theo các quan điểm mới để hội được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật chứ không khắt khe, gò bó như kiểu quản lý hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số hội trên địa bàn TP.HCM được phép thành lập là 1.367 hội; trong đó hội có phạm vi hoạt động Thành phố là 206 hội; hội có phạm vi hoạt động quận, huyện, TP. Thủ Đức là 183 hội; hội có phạm vi hoạt động xã, phường, thị trấn là 978 hội.

Hiện TP.HCM có 24 tổ chức hội cấp Thành phố và 1 tổ chức hội TP. Thủ Đức được xác định có tính chất đặc thù; 6 tổ chức hội có tổ chức đảng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Ngoài ra, có 19 tổ chức hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động không giao số lượng người làm việc.

Về kinh phí hoạt động, các tổ chức hội cấp Thành phố được cấp kinh phí hoạt động năm 2023 hơn 77,6 tỷ đồng.

Bạch Khởi