Quốc tế

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được sử dụng trong các cuộc bầu cử trên thế giới

Văn Phúc 10/07/2024 - 07:31

Khi ứng viên Prabowo Subianto muốn làm dịu hình ảnh của mình trong lòng cử tri trẻ Indonesia, nhóm vận động của ông đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra 1 nhân vật hoạt hình hài hước, mô phỏng khuôn mặt tươi cười của ông. Trước đó nhiều cử tri Indonesia xem ông như 1 vị tướng lĩnh đầy cứng rắn và bảo thủ.

Trong 2 lần tranh cử trước đây, ông Prabowo duy trì hình ảnh 1 tướng lĩnh quân đội mạnh mẽ. Do đó, nhiều người cảm thấy không thân thiện. Phong cách mới của ông trong năm nay, phần nào cho thấy trí tuệ nhân tạo đang ngày càng can thiệp sâu vào các cuộc bầu cử.

i.ytimg.com-vi-p5tgpg_xjg4-_maxresdefault.jpg
Hình ảnh từ AI của ông Prabowo (phải) khiến nhiều cử tri thích thú - Ảnh: Tribunnews.com

Tại Ấn Độ, cuộc bầu cử lớn nhất thế giới vào tháng 6 vừa rồi, đảng BJP của thủ tướng Modi đã sử dụng AI để lồng tiếng và dịch những bài phát biểu ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau trong thời gian thực. Cử tri không hiểu tiếng Hindi dễ dàng tiếp cận và nắm bắt được ý mà thủ tướng Modi muốn truyền tải.

Tại Nhật Bản, trí tuệ nhân tạo ít được sử dụng trong chính trị. Tuy nhiên, một khẩu hiểu và áp phích tranh cử của đảng LDP cầm quyền vào tháng 4 vừa qua, được tạo ra từ ứng dụng AI. Bài phát biểu của thủ tướng Kishida cũng được tham khảo từ nội dung do AI viết.

Một quan chức LDP nói: “AI là công cụ hoàn hảo để tạo ra ý tưởng. Nó rất sáng tạo và đáp ứng nhu cầu của đa số thị hiếu khác nhau.”

Tại quốc hội Nhật, nghị sĩ Kazuma Nakatani thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến, năm ngoái đã hỏi thủ tướng Kishida một câu do ChatGPT tạo ra.

Tại Anh, ứng viên AI đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện.

Doanh nhân Steve Endacott tranh cử 1 ghế tại hội đồng lập pháp Brighton. Ông cam kết nếu trúng cử, mọi quyết định đều sẽ do “AI Steve” đưa ra. Đây là ứng dụng do công ty của ông phát triển, chuyên dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định. “AI Steve” có thể nhận thông tin hay phản hồi từ cử tri, sau đó soạn thảo văn bản về chính sách để hồi đáp.

Tại Hoa Kỳ, trước cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên cho mỗi đảng, chiến dịch của tổng thống Joe Biden đã nhận được nhiều cuộc gọi, với giọng nói AI giống y chang ông chủ đương nhiệm Nhà Trắng.

Ủy ban Truyền thông Liên bang cho biết, các cuộc gọi tự động sử dụng deepfake như vậy là bất hợp pháp. Một nhóm gồm 20 công ty công nghệ, bao gồm Microsoft và Meta, đã cam kết hợp tác chống lại sự can thiệp của AI vào bầu cử.

Một số công ty đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ, như hạn chế câu hỏi mà chatbot có thể trả lời về bầu cử, hoặc làm mờ màn hình nếu phát hiện nội dung do AI tạo ra để can thiệp bất hợp pháp.

Tại Indonesia, một video deepfake về cố tổng thống độc tài Suharto, kêu gọi cử tri ủng hộ đảng cũ của ông, đã khiến dư luận dậy sóng.

Sau cuộc bầu cử ở Pakistan vào tháng 2/2024, một video do AI tạo ra, đóng giả cựu thủ tướng Imran Khan, cũng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Ở chiều hướng khác, một số nhà nghiên cứu đang xem xét ý tưởng sử dụng AI, để hỗ trợ cử tri lẫn ứng viên, nhưng không làm giảm tính dân chủ.

Ông Cesar Hidalgo, một quan chức tại thành phố Toulouse của Pháp, đã đề xuất đưa bản sao các chính trị gia do AI tạo ra, vào quá trình hoạch định chính sách. Các bản sao này tiếp nhận ý kiến của cử tri rồi đưa ra phản hồi. Điều này có phần giống với doanh nhân Steve Endacott tại Anh.

Theo 1 nghiên cứu tại Ấn Độ, khi những bản sao do AI tạo ra được cung cấp thông tin về chính trị gia trong thế giới thực. Ví dụ quan điểm, ưu tiên chính sách, cách tiếp cận cử tri hay phương pháp tranh luận, các hệ thống AI có thể dự đoán chính xác tới 90% liên minh nào sẽ giành chiến thắng. Điều này nghĩa là, AI có thể giúp cử tri lựa chọn chính xác ứng viên nào phù hợp với quan điểm của mình.

Văn Phúc