Diễn đàn

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TP.HCM đang ở đâu?

DNSG (*) 09/07/2024 16:37

Năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp. Vậy, năng lực cạnh tranh của đội ngũ doanh nghiệp TP.HCM đang ở đâu?

1. Về chiến lược và hiệu quả hoạt động
Về tổng thể lực lượng doanh nghiệp (DN) TP.HCM có kết quả hoạt động vượt trội so với các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số doanh nghiệp dẫn đầu nói chung và các ngành nói riêng đang ngày một ít hơn. Chiến lược và hiệu quả hoạt động của các DN TP.HCM ở khu vực đông và Đông Nam Á đang rất khiêm tốn.
Chiến lược và hiệu quả hoạt động:

- Là nhóm nội dung được đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong bốn lớp nhân tố.
- Tính năng động của lực lượng DN của TP.HCM giảm đi một cách tương đối so với các địa phương khác trong cả nước.
- Kết quả phỏng vấn sâu đại diện các hiệp hội cho thấy chiến lược các nhóm ngành nghề có sự khác nhau.
Quốc tế hóa hoạt động của các DN:

- Phần lớn xuất khẩu đều thuộc các DN FDI, trong khi các DN Việt Nam chủ yếu là gia công. Số DN có khả năng xuất khẩu bằng thương hiệu của mình không nhiều.
- Đối với thị trường trong nước, một số DN đã khẳng định được thương hiệu với các mặt hàng ưa thích của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, mức độ cũng vừa phải. Thêm vào vào đó, các thương hiệu nước ngoài đang tạo áp lực rất lớn đối với các thương hiệu trong nước.
Quản trị doanh nghiệp:

- Nhóm chỉ tiêu phản ánh năng lực đổi mới sáng tạo của các DN được đánh giá không lạc quan. Các chỉ tiêu gồm: mức độ tiếp thị, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hiệu quả đo lường, năng lực đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ ở mức dưới trung bình một độ lệch chuẩn.
- Tính chuyên nghiệp trong quản trị, việc giao quyền cũng như các cơ chế khuyến khích hợp lý đang là những vấn đề cần cải thiện của các DN Việt Nam.
- Mô hình công ty gia đình ở Việt Nam đang khá phổ biến. Điều này đảm bảo về quyền sở hữu và điều hành của chủ DN. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khả năng mở rộng và phát triển.

Gợi ý chính sách đối với các DN
- Chiến lược và tầm nhìn đặt trong tâm thế cạnh tranh;
- Xây dựng thương hiệu và quốc tế hóa;
- Quản trị chuyên nghiệp;
- Vai trò chủ động của DN
.

2. Trình độ phát triển cụm ngành
So với các địa phương trong nước, các cụm ngành ở TP.HCM có mức độ phát triển cao và đa dạng nhất. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện quốc tế, các cụm ngành ở TP.HCM là khá khiêm tốn. Nhìn chung trình độ phát triển cụm ngành ở TP.HCM là khá thấp so với các đô thị trung tâm khác trong khu vực châu Á.

Cơ chế hoạt động của các tổ chức:
- Mô hình hoạt động của các tổ chức liên kết chưa thực sự hiệu quả gắn với nhu cầu và lợi ích của các hội viên cũng như cả ngành.
- Cơ chế đóng góp nguồn lực, tạo dựng và chia sẻ lợi ích chưa thực sự rõ ràng.
- Hoạt động của các hội nói riêng, hiệp hội DN TP.HCM nói chung mang dấu ấn của các cá nhân theo các thời kỳ nhiều hơn là một cơ chế chung để tạo dựng sức mạnh tập thể.
Thu thập và cung cấp thông tin:

- Còn khá khiêm tốn ở các hội, các hội mới chỉ đang có kế hoạch thực hiện các đánh giá và thu thập thông tin để cung cấp cho các hội viên.
- Với nguồn kinh phí hạn hẹp hiện tại của các hội và cả hiệp hội thì rất khó để có thể triển khai và cung cấp dịch vụ này một cách hiệu quả.
Góp ý và vận động chính sách cho sự phát triển của ngành và các doanh nghiệp:

- Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, không có hội nào và bản thân Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) có thể thực hiện việc này một cách bài bản.
- Các chính sách về phát triển cụm liên kết ngành và vai trò của Nhà nước cũng không được đánh giá cao.
- Chưa có cơ chế để nâng cao vai trò của hiệp hội và các hội.
- Với lực lượng DN đông đảo, việc quan tâm và bao phủ của lãnh đạo Thành phố được đánh giá là không bằng với các địa phương khác.

Gợi ý chính sách với các hiệp hội và hội ngành nghề
- Cải tiến mô hình tổ chức;
- Tạo dựng các cơ chế hợp tác;
- Đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong hội;
- Vai trò cung cấp các dịch vụ dùng chung;
- Tiếp cận cụm ngành với vai trò tiên phong của các tổ chức có tiềm lực và khả năng dẫn dắt.

dreamstimel90203178-1568799247509525047733(1).jpg

3. Môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh ở TP.HCM nhìn tổng thể là vượt trội so với các địa phương khác trong nước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những gì chính quyền Thành phố đã và đang làm chưa đáp ứng kỳ vọng của các DN.

- Điều kiện về cầu ở TP.HCM cũng vượt trội so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện khu vực thì điều kiện cầu của TP.HCM ở một khoảng cách rất xa so với các Thành phố trong khu vực.
- Khoảng cách về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.HCM so với kỳ vọng của các DN cũng như nền tảng của một nền kinh tế có năng suất cao còn rất lớn.
- Kết quả của khảo sát và phỏng vấn sâu trong Báo cáo này cũng như các xếp hạng hiện có như PCI và PAPI cho thấy khoảng cách rất lớn giữa hiệu quả phục vụ của chính quyền so với kỳ vọng của các DN.
- Ý kiến của đại diện một số hội cho rằng chính quyền Thành phố chưa gần DN, thủ tục hành chính đang là một gánh nặng rất lớn với DN.
- Vai trò và các chính sách của Chính quyền Thành phố trong việc tạo dựng một lực lượng DN có khả năng cạnh tranh với năng suất cao có lẽ là chưa đúng và chưa trúng.

Gợi ý chính sách cho chính quyền TP.HCM
- Chính quyền phục vụ và đồng hành cùng các DN;
- Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
- Tạo cơ chế và hỗ trợ để các tổ chức hợp tác và phối hợp hoạt động hiệu quả.

4.Các yếu tố sẵn có
Các DN đáng giá rất cao vai trò của vị trí địa lý và quy mô nền kinh tế. Đây là những nhân tố tạo ra sức hút của TP.HCM. Nhìn trên bình diện toàn cầu, TP.HCM có vị trí rất tốt so với nhiều đô thị trung tâm khác trong khu vực.

- Quy mô nền kinh tế của TP.HCM nói riêng, vùng TP.HCM nói cung đang khá khiêm tốn so với tất cả các vùng đô thị trong khu vực. Đây là một bất lợi đáng kể trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng DN nói riêng, nền kinh tế nói chung.
- Tài nguyên (chủ yếu là đất đai) của Thành phố không được đánh giá cao và kỳ vọng. Thiếu đất là cảm nhận chung của các DN.

(*) Tổng hợp từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM 2023 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam thực hiện

code-tai-sach-pbcf.jpg
Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM 2023

DNSG (*)