Thời sự

Báo chí giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh

Trần Trọng Dũng (*) 09/07/2024 16:03

Trong thế giới biến động không ngừng như hiện nay, báo chí không đơn giản chỉ là nguồn thông tin mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tăng cường năng lực cạnh tranh (NLCT), cũng là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

65756756.jpg
Ảnh minh họa: AI

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Chương trình truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao NLCT quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu và giải pháp truyền thông, trong đó không thể thiếu vai trò của báo chí.

Có thể nói, báo chí đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao NLCT quốc gia nói chung và NLCT của DN nói riêng. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các DN có được thông tin đa dạng, nhiều chiều, hiểu được nhu cầu của thị trường, thị hiếu tiêu dùng để đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, thông tin của DN cũng được lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, mang lại cho DN cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường toàn cầu.

Báo chí cũng giúp DN xúc tiến xây dựng hình ảnh và thương hiệu. Những bài viết phân tích về thị trường, về các xu hướng kinh doanh và chính sách pháp luật giúp các DN nắm bắt được bối cảnh kinh doanh và đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả. Những đánh giá tích cực của báo chí cũng giúp củng cố thêm niềm tin của DN với khách hàng và đối tác.

Nhiều cơ quan báo chí cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn để DN, các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, nhìn nhận vấn đề từ các góc độ khác nhau, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh.

Báo chí cũng là “công cụ” giám sát hành vi kinh doanh của các DN, chỉ ra những mặt được, chưa được các hướng đi đúng, các lỗi sai cần tránh để DN đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Thông qua báo chí, các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng DN cũng được đề đạt đến cơ quan chức năng, giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, phản biện các chủ trương, chính sách của nhà nước liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, các cơ quan nhà nước sẽ điều chỉnh, ban hành các chủ trương, chính sách sát với thực tiễn, góp phần nâng cao NLCT của DN.

Hiện nay, tại mỗi cơ quan báo chí cũng có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho DN. Đơn cử, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo giúp tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển bền vững. Với việc tổ chức Diễn đàn thường niên về năng lực cạnh tranh trong DN cấp tỉnh - PBCF, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn mong muốn tạo động lực cải cách hệ thống quản trị DN đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính nhà nước cũng như khích lệ sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, DN trong việc nâng cao chất lượng điều hành công ty, lựa chọn và triển khai các giải pháp phù hợp để cải thiện và nâng cao NLCT cho DN.

Để phát huy vai trò báo chí trong nâng cao NLCT của DN, từ góc độ của Hội nhà báo Việt Nam, tôi xin trao đổi thêm một số nội dung sau:

1. Việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ người làm báo và DN

Như đã đề cập ở trên, vấn đề “năng lực cạnh tranh” nói chung và “nâng cao NLCT của DN” nói riêng là một vấn đề lớn, liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì thế, trước hết các cơ quan báo chí nhất là các báo chí chuyên về kinh tế cần quan tâm nâng cao nhận thức, kiến thức về lĩnh vực này cho chính đội ngũ những người làm báo thông qua các hoạt động như: Tổ chức thường xuyên việc tập huấn, bồi dưỡng, kiến thức liên quan “NLCT của doanh nghiệp”, trải nghiệm thực tế, tổ chức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm trao đổi, tổ chức các sự kiện… Cần phát huy vai trò tập hợp, nòng cốt của các Câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành như Câu lạc bộ phóng viên Công Thương (thuộc Hội nhà báo TP.HCM) và nhiều Câu lạc bộ khác.

2. Về nội dung, phương thức truyền thông.

Trong bối cảnh phát triển truyền thông trên không gian số, ngoài duy trì thường xuyên các chuyên mục trên các loại hình báo chí truyền thống, rất cần đặc biệt quan tâm hoạt động truyền thông trên không gian mạng vì sẽ tác động rất lớn tới nhận thức một bộ phận lớn người đọc trong xã hội, cụ thể hơn là doanh nhân và người tiêu dùng.

Trong nội dung thông tin, các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực truyền thông về chính sách, tổ chức phản biện mang tính xây dựng, khách quan vấn đề NLCT của DN, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng cần quan tâm giải quyết, giới thiệu những doang nghiệp có giải pháp, cách làm hay, mô hình tốt, những tác động và hiệu quả mang lại trong việc nâng cao NLCT của DN. Bên cạnh đó báo chí cũng cần kịp thời phát hiện, đưa ra cảnh báo những hiện tượng tiêu cực, biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để kiến nghị các cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp giải quyết, khắc phục.

Để làm tốt công tác truyền thông, về phía chính quyền các cấp và các Sở Ngành chức năng liên quan nên phân công bộ phận chức năng và cán bộ chuyên trách có kỹ năng về quản trị truyền thông để chủ động và thường xuyên cung cấp thông tin trong nước và quốc tế liên quan năng lực cạnh tranh của DN đến các cơ quan báo chí.

3. Về sự đồng hành báo chí và DN

Có thể nói sau dịch Covid-19, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong nước và quốc tế, các DN hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chính lúc khó khăn này DN càng cần có sự gắn bó đồng hành cùng báo chí.

Thực tế nhiều DN nhất là DN vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn trong xây dựng quan hệ với báo chí để xúc tiến xây dựng thương hiệu. Đặc biệt trong quá trình phát triển, nhiều DN gặp khủng hoảng truyền thông, khi đó rất cần sự phối hợp báo chí, kỹ năng xử lý để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới NLCT.

Các cơ quan báo chí cần có sự lắng nghe, chia sẻ, tư vấn xác thực, kịp thời về truyền thông, cùng tìm giải pháp tháo gỡ, xử lý khủng hoảng, để DN vượt qua khủng hoảng, giữ được niềm tin của đối tác, người tiêu dùng. Cần hạn chế tối đa việc đưa những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng bởi chỉ một bài báo thiếu khách quan sẽ gây những hệ lụy không hề nhỏ đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà phải qua bao năm mới gây dựng được.

Về phía các DN, rất cần sự hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí để nâng cao NLCT. Các cán bộ phụ trách về truyền thông, makerting cần phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về truyền thông đặc biệt là kỹ năng truyền thông, quan hệ báo chí, kỹ năng xúc tiến, xây dựng, lan tỏa hình ảnh thương hiệu nhất là trên nền tảng số. Về việc này, Hội nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo TP.HCM và các địa phương có thể phối hợp các DN tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng truyền thông báo chí cho các đối tượng trên.

code-tai-sach-pbcf.jpg
Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM năm 2023

(*) Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam

Báo chí cần lắng nghe, chia sẻ tư vấn xác thực, tìm giải pháp xử lý khủng hoảng cho dn. hạn chế tối đa thông tin sai lệch.

Trần Trọng Dũng (*)