Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng 5,1% trong quý 2/2024

Văn Phúc 08/07/2024 - 22:55

Quý 1/2024, kinh tế Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, cao hơn mức trung bình cả năm 2024 mà chính phủ đặt ra. Tuy nhiên các quý sau được dự báo có thể khó khăn hơn, do bất động sản vẫn ảm đạm và căng thẳng thương mại leo thang.

Nikkei Asia vừa thực hiện cuộc khảo sát với 30 chuyên gia. Dự báo trung bình được đưa ra là quý 2/2024, GDP Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5,1%, thấp hơn 1 chút so với 5,3% của quý 1 trước đó.

img2.chinadaily.com.cn-images-202205-16-_6281f273a310fd2bec894bd4.jpeg
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt trong quý 1/2024 - Ảnh: China Daily

Ông Matthew Roger, chuyên gia kinh tế tại Legal & General Investment Management, mô tả GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ổn định theo hướng giảm dần, nếu không có thêm nỗ lực cải cách và kích thích.

Kết quả khảo sát được công bố chưa đầy 2 tuần, trước khi Trung ương Đảng của Trung Quốc họp ngày 15/7, cùng thời điểm công bố số liệu GDP chính thức của quý 2.

Phiên họp này sẽ nhìn lại 6 tháng đầu, và phác thảo kế hoạch phát triển trong 6 tháng sau của năm 2024. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chưa tin tưởng sẽ có biện pháp kích thích mạnh tay sau hội nghị.

Ông Roger và 19 chuyên gia khác, đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 của Trung Quốc, lên trung bình 4,9% so với 4,7% ở lần khảo sát trước cách đây 3 tháng. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 5%.

Ông Jeremy Zook, chuyên gia xếp hạng tín nhiệm tại Fitch Ratings nói rằng, hỗ trợ tài chính, thông qua cả việc bán trái phiếu ở chính quyền địa phương lẫn trung ương, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc những tháng cuối năm. Ông nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm 2024 lên 4,8%.

Ông Jeremy Zook, chuyên gia kinh tế tại ABRDN cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc cả năm 2024 lên 4,9%. Theo ông Zook, việc điều chỉnh tính toán tăng trưởng của cục thống kê Trung Quốc, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng 2024 dễ dàng hơn.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế tại Macquarie nói rằng, động lực tăng trưởng của Trung Quốc dựa vào sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa và bất động sản vẫn khó khăn. Khả năng cao, nhiều quốc gia sẽ đánh thêm thuế vào hàng giá rẻ của Trung Quốc, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Do vậy, không nên dựa quá nhiều vào bên ngoài.

Thời gian qua, do tiêu thụ nội địa yếu, cộng với sản xuất hàng loạt hàng hóa giá rẻ, nên Trung Quốc chuyển hướng ra xuất khẩu. Tuy nhiên nhiều quốc gia tố cáo, hàng Trung Quốc được trợ cấp giá rẻ đang lũng đoạn thị trường. Trước tình hình trên, liên minh châu Âu chuẩn bị áp mức thuế lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức thuế trên tác động rất ít đến tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nhà kinh tế lo ngại hơn về viễn cảnh cựu tổng thống Trump đắc cử vào tháng 11 tới. Ông Trump từng đe dọa áp thuế 60% với mọi hàng hóa từ Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Hideki Ito từ ngân hàng Mizuho nói rằng, điều này chắc chắn tác động đến hàng Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ, khiến lượng hàng nội địa dư thừa nhiều hơn, làm giảm động lực sản xuất.

Ông Tetsuji Sano, chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui cho biết, vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc là thiếu nhu cầu. Chính quyền đang do dự trong việc hỗ trợ các hộ gia đình mua nhà giảm giá, nên có vẻ sẽ không có giải pháp mạnh nào được đưa ra trong thời gian tới.

Về chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế kỳ vọng lãi suất cho vay cơ bản một năm, sẽ tăng lên 3,35% vào cuối năm 2024. Đồng nhân dân tệ, dự kiến sẽ có tỷ giá từ 7 đến 7,45 đổi 1 USD vào cuối năm 2024. Lý do, là viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất trong tương lai gần, ngày càng khó xảy ra. Khi FED giảm lãi suất, Trung Quốc sẽ tự do hơn trong việc thiết lập chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Ông Homin Lee, chuyên gia kinh tế tại Lombard Odier lo ngại, nếu ông Trump giành chiến thắng và áp dụng chiến lược như đã tuyên bố, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ phá giá đồng nhân tệ để đối phó. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại giữa 2 nước, ảnh hưởng tới cả kinh tế châu Âu và châu Á.

Các chuyên gia cũng nhận định, dân số giảm tác động tiêu cực trong thời gian dài với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, tăng trưởng được dự đoán khoảng 4,5% năm 2025 và 4,3% năm 2026.

Văn Phúc