Diễn đàn

"Hoạt động của các chuyên gia y tế góp phần đa dạng phương thức truyền thông y tế"

Phạm Thịnh 06/07/2024 22:17

Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Phương thức mới trong truyền thông y tế” nằm trong chuỗi hội thảo “Key Medical Opinion Leader - Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội”, được tổ chức ngày 6/7 bởi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Trường đại học Quốc tế RMIT.

Người dân cần truyền thông y tế chính xác

Năm 2021, Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn khi dịch Covid hoành hành khắp nơi, đó chính là lúc truyền thông phát huy vai trò của mình. Những video hướng dẫn giữ khoảng cách, cách chăm sóc người nhiễm bệnh... được các cán bộ y tế chia sẻ đến người dân, vừa gần gũi vừa hài hước, giúp tinh thần người dân trở nên phấn chấn hơn.

Theo Ths Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ, sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội trong đời sống hiện nay đang mang đến tiềm năng lớn đối với hoạt động truyền thông của ngành Y tế. Giữa những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, người dân đang rất cần những thông tin y tế chính xác, tuy nhiên vẫn phải đủ hấp dẫn để họ có hứng thú ở lại theo dõi các nội dung khoa học.

2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu

“Nếu bác sĩ, nhân viên y tế làm truyền thông thì đó là điều tuyệt vời, để cộng đồng, người dân được lắng nghe những ý kiến có kiến thức, kinh nghiệm đúng đắn. Viết bằng cái tâm, bằng góc độ của một người bác sĩ nhiều khi còn hấp dẫn độc giả hơn rất nhiều so với một người làm báo”, ông Cường nói.

Giáo sư Robert McClelland – Trưởng khoa Kinh doanh Trường Đại học RMIT Việt Nam, cũng cho biết: “Chuỗi hội thảo KMOLs sẽ giúp các chuyên gia y tế phát triển kỹ năng truyền thông, đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội trong giao tiếp y tế.

1.jpg

Trong bối cảnh xã hội biến đổi không ngừng ngày nay, việc chúng ta tập hợp lại, cùng chia sẻ tri thức và khích lệ lẫn nhau để đạt được những thành tựu mới là điều vô cùng cần thiết".

Nhiều đề xuất cải thiện phương thức truyền thông y tế

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng ngành truyền thông trong lĩnh vực y tế cũng vẫn còn trở ngại. PGS-TS. Lê Minh Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bày tỏ rằng, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng đang thấy việc truyền thông còn mang tính “showbiz”, khiến họ ngại tham gia các hoạt động truyền thông. Thế nên, chữ truyền thông cần phải rạch ròi. Nếu liên tục đưa hình ảnh bác sĩ, hình ảnh bệnh viện lên mạng xã hội thì sẽ trở thành quảng bá thay vì truyền thông.

Các cán bộ y tế cũng cần phân biệt rõ giữa “nổi tiếng” và “tạo ảnh hưởng”. Truyền thông trong y tế là hoạt động phụng sự cộng đồng, chứ không nhằm để quảng bá hay đánh bóng tên tuổi cho các y bác sĩ, cơ sở y tế.

PGS-TS. Lê Minh Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

"Truyền thông không đơn giản chỉ là nhìn vào thiết bị và nói, bên cạnh những kiến thức y khoa, các bác sĩ còn cần phải trau dồi khả năng hoạt ngôn, khiếu hài hước vì những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức lan tỏa của nội dung chúng ta truyền tải", PGS-TS. Lê Minh Khôi đề xuất.

Cũng đồng tình với quan điểm đó, TS. Trương Văn Bình - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng, những nội dung về y tế đăng tải trên các cổng thông tin y tế điện tử là chưa đủ, người dân cũng cần những nội dung giải trí, tâm sự, phát triển nội dung theo chiều hướng gần gũi hơn mới có thể dễ dàng đem những kiến thức khoa học tiếp cận gần hơn với công chúng. Để làm được điều đó, các bệnh viện cần trao quyền đến từng nhân viên y tế, từng bác sĩ, điều dưỡng để họ có thể phát huy được khả năng truyền thông y tế.

4.jpg

TS. Nguyễn Văn Thanh Long - Chủ nhiệm cao cấp, Giảng viên xấp cao Chương trình Quan hệ công chúng, Khoa Truyền thông và Thiết kế Trường Đại học RMIT Việt Nam, đề xuất thêm, trong thời gian tới hoạt động truyền thông nội bộ tại các bệnh viện cần cập nhật quy trình, tiêu chuẩn nghiệp vụ, các câu chuyện bên lề nhằm tăng chất lượng khám chữa bệnh, mang lại niềm vui trong công việc.

Các diễn giả hy vọng, sau chương trình sẽ có thêm nhiều buổi hội thảo để cùng các chuyên gia đào sâu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng mới về truyền thông, giúp các y bác sĩ trở thành những KMOL (Chuyên gia y tế có tầm ảnh hưởng) trên mạng xã hội, để giúp lan tỏa nhanh hơn thông điệp của ngành y tế đến với đông đảo công chúng.

Phạm Thịnh