Thời sự

Việt Nam sẽ đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn

Bạch Khởi 05/07/2024 - 16:22

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 582 ngày 3/7/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu chung của việc quy hoạch là đến năm 2030 sẽ hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế, cũng như thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên quy mô cả nước thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển theo hướng tích hợp, gia tăng giá trị khai thác sử dụng với một số chỉ tiêu sau:

Hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua 2,98 triệu tấn thủy sản/năm (gồm 100% sản lượng hải sản khai thác và một phần sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển); đảm bảo thực hiện công tác quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo sức chứa trên 83.600 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn. 100% cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được bố trí sử dụng đất, mặt nước theo quy định tại Điều 78, Điều 84 của Luật Thủy sản 2017.

Bên cạnh đó, hình thành đầu mối giao thương quan trọng trong nước và quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm; tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, Việt Nam sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ tại cảng cá, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và thực phẩm cho nhân dân, tích hợp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới và quốc phòng an ninh tại những nơi phù hợp.

quy-hoach-cang-ca.jpg
Việt Nam sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ tại cảng cá

Theo đó, tất cả các cảng cá loại I thuộc trung tâm nghề cá lớn được xây dựng có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại, có dây chuyền xếp dỡ hàng hóa đồng bộ, hiện đại, cơ giới hóa 100%.

Tất cả các cảng cá loại I được xây dựng có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại, có dây chuyền xếp dỡ hàng hóa đồng bộ, cơ giới hóa 90%.

Tất cả các cảng cá loại II được xây dựng có kết cấu hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị chủ yếu xếp dỡ hàng hóa được cơ giới hóa 70%.

Đặc biệt, theo Quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, sẽ đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển.

Trong đó, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng các trung tâm nghề cá lớn tại các địa phương sau:

1. Trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng.

2. Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường biển Đông và Hoàng Sa tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

3. Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa tại phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

4. Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

5. Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ tại xã Tây Yên A, huyện An Biên và xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá gồm 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.983.000 tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.

Bạch Khởi