Lương Văn Can

Tranh cách ngôn Lương Văn Can: Tâm đạo công bình

DNSG 10/07/2024 10:26

Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Tâm đạo công bình: Trong kinh doanh tất yếu phải có tâm đạo công bình. Cái gì có lợi một cách tự nhiên thì mình cứ theo lẽ tự nhiên, để không có lòng nghĩ càn mà cũng không đến nỗi phải mạo hiểm”.

Câu này là một phần cách ngôn số 138, trang 77-79, sách Kim cổ cách ngôn (1925) của Lương Văn Can, đã được TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và giới thiệu diễn đạt lại.

Nguyên văn của đoạn cách ngôn này: “Tất yếu bình tâm công đạo. Nhi lợi hữu tự nhiên giả. Thuận kỳ tự nhiên. Tắc vô vọng niệm nhi bất mạo hiểm”.

Lương Văn Can thích nghĩa: “Cốt phải lòng công đạo công, nhưng của gì có lợi tự nhiên mình cứ theo lẽ tự nhiên, thời không có lòng nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm”.

tam-dao-cong-binh.jpg

TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và diễn đạt cách ngôn này như sau: “Bình tâm công đạo” tức là có cái “tâm” công bằng, công chính, không thiên lệch, và cái “đạo” công bằng, không nghiêng về một bên, không tư túi. Trong kinh doanh, tất yếu phải có tâm đạo công bình, tức là phải kinh doanh sao cho công bằng, vừa thu lợi cho mình vừa làm lợi cho người, không thiên lệch. Cái gì có thể thu lợi một cách tự nhiên, thì mình cứ hành động theo lẽ tự nhiên, thí dụ đưa nguyên liệu hay hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, từ nơi thừa sang nơi thiếu. Như vậy, sẽ không phải nghĩ đến những thủ đoạn dối trá, lừa đảo, và cũng không đến nỗi phải mạo hiểm.

Ngược lại, những người kinh doanh quá tham lam sẽ phải trả giá đắt. Như Lương Văn Can viết trong cách ngôn số 138: “Đến như người chứa gạo mà mong giá gạo đắt, chứa vải mà mong giá vải cao, thì là cái tâm không bình. Hoặc như người mua thừa mà bán thiếu, làm của giả để đánh tráo với của thật, thì là cái đạo không công. Không bình không công, đều là bởi tại lòng tham nặng quá. Xét kỹ ra, giàu nghèo có số, vị tất đã được như ý ngay. Kia những người bụng dạ quá quắt, dẫu được lợi mà giàu, nhưng đạo trời cho phúc người lương thiện bắt vạ người quá quắt, chưa chắc đã được hưởng lợi. Đời có người buôn bán nên cửa nên nhà mà con cháu chẳng được hưởng phúc dày, là vì lẽ ấy”.

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tiếp tục thực hiện 10 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim cổ cách ngônThương học phương châm của cụ Can như là một lời tri ân, nhắc nhớ các doanh nhân về lời dạy của cụ Lương Văn Can.

DNSG