Quốc tế

Khách nước ngoài tiêu tiền nhiều kỷ lục tại Nhật Bản

Văn Phúc 03/07/2024 - 22:16

Chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng gấp năm lần trong thập kỷ qua, và trở thành hạng mục xuất khẩu lớn thứ hai. Điều này làm nổi bật sự dịch chuyển từ xuất khẩu hàng hóa sang xuất khẩu dịch vụ.

Dữ liệu của Chính phủ Nhật vừa công bố cho thấy, tổng giá trị mua hàng trực tiếp từ khách du lịch đạt khoảng 7,2 nghìn tỷ yên (tương đương 45,1 tỷ USD) trên danh nghĩa trong quý 1/2024. Con số này vượt xa mức 4,6 nghìn tỷ yên kết thúc vào quý 4/2019 trước khi Covid-19 bùng phát.

www.telegraph.co.uk-content-dam-travel-2018-may-_kyoto-tourists.jpg
Khách quốc tế đổ về Nhật Bản nhiều kỷ lục trong năm 2024 - Ảnh: The Telegraph

Điều này cho thấy, du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật. Mặc dù 7,2 nghìn tỷ yên chỉ bằng 1 nửa so với 17,3 nghìn tỷ yên xuất khẩu ô tô quý 1/2024, nhưng nó cũng vượt xa các mặt hàng xuất khẩu khác như chất bán dẫn hay thép.

Quý 1/2024, chi tiêu của du khách đến Nhật tăng 60% so với năm trước đó. Trong khi xuất khẩu ô tô và thép chỉ tăng 45% từ năm 2019 đến 2023. Linh kiện điện tử tăng khoảng 40% trong cùng thời gian.

Ông Saisuke Sakai, chuyên gia kinh tế từ Mizuho Research & Technologies nói rằng, xuất khẩu hàng hóa trở nên khó khăn hơn ngay cả trong bối cảnh đồng yên yếu, do nhiều công ty chuyển nhà máy ra nước ngoài vào thập niên 2010, cũng như lĩnh vực chất bán dẫn gặp cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Từ đầu năm đến nay, du khách đến Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn trước Covid-19. Riêng trong tháng 3, xứ sở hoa anh đào đón 3 triệu lượt.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2023, chi tiêu của du khách nước ngoài đến Nhật tăng bình quân 38,8% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi Covid-19 bùng phát. Đây là con số ấn tượng nếu so với lần lượt 30,7% tại Tây Ban Nha, 16,5% tại Ý, âm 4,3% tại Mỹ và 1,6% tại Singapore.

Tỷ giá hối đoái được cho là nguyên nhân chính, đồng yên yếu khiến mọi thứ rẻ hơn với du khách nước ngoài. Năm 2023, tỷ giá đồng yên trung bình là 140,58 đổi 1 USD, thấp hơn 30% so với năm 2019.

Nơi du khách tiêu tiền cũng đang thay đổi. Các tour du thuyền giá rẻ và sự bùng nổ mua sắm miễn thuế của những năm 2010, đã không còn được ưa chuộng. So sánh năm 2019 và 2023 cho thấy, chi tiêu mua sắm giảm, nhưng chi tiêu cho giải trí và dịch vụ lại tăng, như chỗ ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và vé tham quan.

Phân khúc xa xỉ cũng ngày càng cao. Chỉ có 1% du khách đến Nhật Bản chi hơn 1 triệu yên, nhưng họ chiếm 14% tổng chi tiêu.

Du lịch từ khi đại dịch lắng xuống, có xu hướng tập trung hơn vào đô thị lớn như Tokyo hay Osaka. Chính phủ đang cố gắng đa dạng hóa, bằng cách hướng du khách đến các điểm đến cụ thể.

Gia tăng du khách cũng mang đến những thách thức. Cơ sở hạ tầng du lịch của Nhật Bản không phát triển kịp với lượng khách đổ về. Khách sạn và hàng không đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Văn Phúc