Bất động sản

Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội: Cần chính sách sát đúng

Khánh Hưng 28/06/2024 - 15:17

Theo đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) của Chính phủ, đến năm 2025, TP.HCM được giao chỉ tiêu xây dựng 35.000 căn, nhưng hiện nay mới chỉ hoàn thành khoảng 16.000. Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Ngô Trí Long chia sẻ.

* Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút tư nhân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH. Theo ông, hiệu quả của các giải pháp ấy liệu đã đủ hấp dẫn doanh nghiệp?

- Trước tiên phải nói là những chính sách ấy đã khá cụ thể, kịp thời, thể hiện nỗ lực từ Chính phủ trong việc “cởi trói” vướng mắc để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, thể hiện qua số lượng những khu nhà ở, không chỉ ở TP.HCM mà các địa phương vẫn chưa được như kỳ vọng. Một số địa phương có số lượng NƠXH “cách xa vạch đích” so với mục tiêu Thủ tướng giao.

Các chính sách về NƠXH khi triển khai gặp nhiều bất cập, đơn cử như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất hiện tại là vẫn còn cao ở cả phía cung và cầu liên quan đến NƠXH, chưa nói đến thủ tục vay rất phức tạp. Vấn đề cấp phép xây dựng, có những doanh nghiệp phản ánh rằng, nhiều thủ tục mất tới mấy năm để xin, qua rất nhiều cơ quan. Đó là chưa kể đến quỹ đất. Doanh nghiệp muốn “mặn mà” cũng khó!

chuyen-gia-nguyen-tri-long.jpg
Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Ngô Trí Long

* Như ông vừa đề cập, vấn đề mà doanh nghiệp “vướng” nhất là thủ tục và quỹ đất. Có doanh nghiệp đề xuất chỉ tham gia một phần trong quá trình tạo lập NƠXH, như tham gia vốn, xây dựng, còn đất và pháp lý thì Nhà nước làm. Điều ấy có khả thi, thưa ông?

- Thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến nhiều thành phố lớn gặp khó để phát triển NƠXH. Cách đây chục năm, các điều kiện để phát triển NƠXH thuận lợi hơn hiện tại vì quỹ đất còn lớn, giá đất “phải chăng” hơn. Hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khi tìm mua đất xây dựng NƠXH. Thiếu quỹ đất sạch thì dù có chính sách hấp dẫn thế nào cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Còn cho rằng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu thủ tục, doanh nghiệp chỉ lãnh khâu xây dựng thì đó là ý kiến hay, bên hưởng lợi sẽ là nhà đầu tư. Tuy nhiên, chờ cho đến khi có chính sách cụ thể về vấn đề này, vẫn phải tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH vì hiện nay, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khó một thì đối với NƠXH lại khó gấp nhiều lần.

* Trước đây, quy định cho phép lợi nhuận khi xây dựng NƠXH cho thuê không quá 15%, để bán thì 10%, nhưng quy định mới đều quy về mức 10%. Như vậy doanh nghiệp lại càng khó để “mặn mà”…

- Trước giờ doanh nghiệp vẫn làm NƠXH vì trách nhiệm với người dân, với đất nước, nhưng chí ít, doanh nghiệp vẫn phải có được lợi nhuận nhất định để tái đầu tư. Nếu tham gia xây dựng NƠXH với nhiều rủi ro tiềm ẩn, doanh nghiệp sẽ e ngại. Mức lợi nhuận 10% là khá thấp, thậm chí 15% cũng chưa phải là cao. Mức lợi nhuận của phân khúc NƠXH cho thuê giảm khiến doanh nghiệp càng không muốn tham gia xây dựng.

Mức lợi nhuận đề xuất là như vậy, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, có thể mất thêm một số chi phí tuân thủ khác. Từ đó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này.

du-an-nha-o-xa-hoi.jpg

* Theo ông, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng NƠXH, phải cần thêm giải pháp gì?

- Đầu tiên là thủ tục hành chính, quy trình cấp phép xây dựng phải thuận lợi, nhanh chóng. Thêm vào đó, có thể cân nhắc nâng mức lợi nhuận làm NƠXH, bởi, cách hỗ trợ thông qua nguồn vốn và lợi nhuận vẫn rất thiết thực đối với doanh nghiệp. Tức là phải “cởi trói” thực chất để doanh nghiệp “mặn mà” với NƠXH. Thực tế cho thấy, với người lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp, đa phần lựa chọn ở thuê thay vì mua nhà. Cần có những chính sách khuyến khích, ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê với giá hợp lý, tiện ích đảm bảo, vận hành tốt cũng là cách giúp đỡ người lao động.

Nhìn rộng về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thực sự có nhu cầu, cần tính toán để ưu tiên, khuyến khích đối với cả doanh nghiệp đầu tư xây dựng phân khúc nhà ở thương mại chứ không chỉ áp dụng cho NƠXH. Bởi nếu cứ “chăm chăm” giảm giá thành NƠXH bằng mọi cách, như giảm chi phí xây dựng, cắt giảm các tiện ích thì căn hộ sẽ nhanh chóng xuống cấp, người lao động không thể cải thiện chất lượng sống như mục tiêu, bản chất của chính sách đề ra. Từ đó còn dẫn theo nhiều hệ luỵ khôn lường. Hiện nay, nhà ở thương mại giá thấp cũng có nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung lại tương đối khan hiếm. Do đó, phát triển căn hộ thương mại tầm trung sẽ phần nào giảm bớt áp lực nhu cầu NƠXH.

* Cảm ơn ông!

Khánh Hưng