Chuyện làm ăn

Cẩn trọng với phòng vệ thương mại

Hồng Nga 26/06/2024 - 14:27

Dù xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn đối diện với nhiều rào cản, thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nhiều nước.

Đối diện nhiều thách thức

Việt Nam có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua khi liên tục nằm trong top 30 nền kinh tế có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các DN cũng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM, chống lẫn tránh biện pháp PVTM.

go.jpg

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang nhanh, đặc biệt là chống lẫn tránh. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2011 có 50 vụ, giai đoạn 2012-2023 có 188 vụ, tăng hơn 3,5 lần so với giai đoạn trước.

Và tính đến tháng 6/2024, các DN xuất khẩu Việt Nam phải đối diện với 252 vụ kiện về PVTM. Trong đó, có 138 vụ liên quan đến chống bán phá giá, 50 vụ điều tra theo hình thức tự vệ, 37 vụ chống lẫn tránh thuế và 27 vụ chống trợ cấp. Thị trường khởi xướng điều tra PVTM nhiều nhất gồm Hoa Kỳ 64 vụ, ASEAN 46 vụ, Ấn Độ 33 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 26 vụ, Úc 18 vụ, Canada 19 vụ, EU 15 vụ.

Ông Phùng Gia Đức - Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, hầu như các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra PVTM đối với Việt Nam. Từ khi các FTA có hiệu lực tại khu vực ASEAN và Mehico, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở khu vực này khiến các nước nhập khẩu tăng điều tra PVTM.

Phạm vi sản phẩm bị điều tra cũng ngày ngày càng đa dạng và không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời..., mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập.

Đã vậy, xu hướng điều tra cũng khắt khe hơn. Các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, DN bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Phạm vi điều tra ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM…

Đã vậy, mức thuế PVTM còn bị “đẩy lên” do vấn đề kinh tế thị trường. Hiện Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá. Chẳng hạn như việc Mỹ điều tra chống phá giá mật ong Việt Nam.

Giải pháp ứng phó

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng khu vực nên cũng thường xuyên bị điều tra chung với các nước. Bên cạnh đó, một số nước có xu hướng lạm dùng PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gia tăng, giải pháp nào để giảm bớt các vụ việc PVTM là điều rất đáng lưu tâm.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chủ động PVTM được xem là biện pháp quan trọmg giúp các quốc gia vừa hội nhập vừa bảo vệ nền kinh tế sản xuất trong nước, là trụ cột để đảm bảo thương mại công bằng và ngăn chặn những tác động tiêu của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa tromg nước.

Hiện Bộ Công Thương đang cân nhắc các rủi ro về PVTM để xây dựng kế hoạch xuất khẩu hợp lý. Giải pháp để giảm bớt các vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu là xác minh việc cấp C/O, cân nhắc khi ban hành các chính sách khiến có thể bị cáo buộc trợ cấp, khiến một số quốc gia nghi ngờ. Cùng với đó, quản lý giám sát hoạt động của DN nhằm ngăn ngừa lẫn tránh PVTM.

Ngoài sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cộng đồng DN phải tiếp tục trang bị kiến thức, thông tin về PVTM, yêu cầu của các FTA thế hệ mới để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng bằng việc xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, tính trước các nguy cơ rủi ro có thể phát sinh và chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cấp chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.

DN phải tăng sử dụng nguyên liệu trong nước, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ xuất xứ, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán. Và trước khi thực hiện hợp đồng, cần trao đổi kỹ với các đối tác nhập khẩu, tranh rủi ro về phòng vệ.

Với các vụ việc PVTM cụ thể, DN cần nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật về các nguyên tắc quy trình, thủ tục điều tra. Phải theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương và chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.

Các DN phải xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc. Phải tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), các hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc. Tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Khi vướng vào các vụ việc PVTM, DN phải xác định được định hướng chiến lược tham gia, trao đổi với hiệp hội và cơ quan Chính phủ về phương án xử lý vụ việc. Sau đó, chuẩn bị hồ sơ, số liệu thông tin, nhờ đến sự tư vấn của các luật sư và tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà nhập khẩu. Kế đó, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong các bản trả lời câu hỏi điều tra, xác minh thông tin. Gửi các bản lập luận, phản biện tới các cơ quan điều tra liên quan đến kết luận sơ bộ và cuối cùng.

“Khi trả lời bản câu hỏi cần cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, nộp đúng thời hạn, tham khảo sự hỗ trợ của luật sư tư vấn và trao đổi với Cục Phòng vệ Thương mại tìm sự hỗ trợ cần thiết”, ông Đức lưu ý.

Hồng Nga