Chuyên đề

Báo chí và doanh nghiệp: Chuyện ngày càng thời sự hơn

Nguyễn Thị Ngọc Hải 25/06/2024 - 16:51

Báo chí - doanh nghiệp đều đứng trước thách thức to lớn của thời đại: Sự cạnh tranh thông tin, thị hiếu công chúng thay đổi, trách nhiệm và kỹ năng xây dựng đội ngũ xứng tầm.

8-1.jpg
Ảnh minh họa: AI

Đã có nhiều nghiên cứu, phát biểu về tầm quan trọng của sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp.

Giờ đây nó không dừng ở những điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, như doanh nghiệp làm ăn không nghiêm minh phải chiều báo chí, báo chí “đánh đấm” để vòi tiền doanh nghiệp. Tình hình thời sự nóng vừa qua cho thấy nhiều vụ chống tham nhũng, cán bộ bị mất chức hay vào tù cùng với doanh nghiệp “sân sau” bị thanh tra, thí dụ vài vụ khủng như Công ty Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát không phải do báo chí phát hiện…

Thời đại công nghệ số phát triển rất nhanh, trình độ dân trí ngày một nâng cao đòi hỏi kỹ thuật mới đối với cả hai lĩnh vực kinh doanh và truyền thông, làm nổi bật yêu cầu tồn tại và sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Vậy họ đã làm gì? Tại sao công chúng cần mối quan hệ có văn hóa của báo chí và doanh nghiệp?

Vì hai “ông lớn” này mà kém văn hóa thì xã hội lãnh đủ. Họ tạo ra những giá trị quan trọng về đạo đức và đời sống. Đó là câu trả lời dễ và nhanh nhất, không cần “nghiên cứu”.

Trong quy mô mang tầm quốc gia, Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã chọn 10 vấn đề cho 10 cuộc thảo luận về nghề báo, trong đó có chủ đề “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí - doanh nghiệp và cơ quan quảng cáo”.

Ngoài phân tích những thách thức lớn của thời đại, người đọc mới, sự thay đổi trong nhận thức về truyền thông của công chúng, sự thay đổi phương thức tác nghiệp của nghề báo và doanh nghiệp góp phần rất quan trọng phát triển xã hội, nghề báo và nghề kinh doanh mang sắc thái riêng mà lại cần nhau để phát triển, để cùng phụng sự xã hội.

Ngoài việc đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực của các loại hình truyền thông, xây dựng môi trường văn hóa báo chí, nghề báo còn có nội dung cụ thể để phát triển các thể loại phóng sự, phóng sự điều tra… Kỹ năng làm “sứ mệnh” trong thời đại mới gợi ta liên tưởng đến một tờ báo nước ngoài có mục “Great Writing makes for Great Reading” (Viết lớn lao làm cho sự đọc trở nên lớn lao). Doanh nghiệp thì có nhiều kỹ năng nghề nghiệp mới, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, con người, môi trường làm việc… Và công thức marketing cũng là 2H: Human to human - hướng đến con người.

Mối quan hệ hợp tác giữa báo chí - doanh nghiệp được chỉ rõ: Hợp tác giáo dục công chúng, tuyên truyền định hướng tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường, phát triển bền vững (công thức ESG: Môi trường, xã hội, quản trị bền vững). Báo chí xây dựng chương trình hợp tác với doanh nghiệp, thực hiện cam kết cộng đồng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp tích cực và hiệu quả. Báo chí định hướng dư luận, lan tỏa giá trị, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực, khách hàng quan trọng của báo chí.

Một bên doanh nghiệp là lực lượng quan trọng về tăng trưởng kinh tế và an sinh, một bên báo chí - truyền thông là truyền đạt chủ trương, đường lối của Nhà nước, phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và doanh nghiệp. Báo chí là nghề trả lời những câu hỏi suốt ngày đêm: What is new? (Cái gì mới?)

Như vậy, báo chí - doanh nghiệp đều đứng trước thách thức to lớn của thời đại: Sự cạnh tranh thông tin, thị hiếu công chúng thay đổi, trách nhiệm và kỹ năng xây dựng đội ngũ xứng tầm.

Báo chí và doanh nghiệp có sứ mệnh chung, có làm tốt mới phát triển bền vững để phụng sự xã hội, đem lại lợi ích cho công chúng và sự phát triển đất nước. Và cho dù có nhiều phương tiện truyền thông đến đâu, báo chí vẫn là kênh thông tin mà doanh nghiệp và cộng đồng luôn tin cậy.

Ông Phạm Minh Toàn - Chủ tịch Time Universal và VietFest: “Báo chí vẫn là kênh thông tin chính thống”
Mặc dù trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo chí vẫn giữ vai trò rất quan trọng với cộng đồng nói chung, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Đây vẫn là kênh thông tin mang tính chính thống, được kiểm chứng, tạo được uy tín tốt. Tôi đánh giá, mạng xã hội hiện nay mạnh nhất vẫn là vai trò lan tỏa thông tin chứ không thể thay thế được các trang báo trong hoạt động tạo nguồn tin, định hướng thông tin.
Đâu đó vẫn còn sót lại một vài “Con sâu bỏ rầu nồi canh” trong câu chuyện báo chí “phiền hà”, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tôi nghĩ, với các nhà báo có tư tưởng “thiểu số” như vậy thì hiện nay các doanh nghiệp cũng đã tự có cho mình “vắc xin” để phòng vệ trước những tình huống đó. Qua những trải nghiệm của mình, tôi thấy hiện tượng này chỉ còn là thiểu số. Quan hệ của báo chí - doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều so với những năm về trước. Hiện nay, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí chủ yếu vẫn sẽ là song hành, cùng nhau phát triển.
Để đồng hành với doanh nghiệp hiệu quả trong bối cảnh mới, báo chí cần tập trung vào thế mạnh là khai thác các góc nhìn có sự phân tích chuyên sâu, thông qua ngòi bút của các nhà báo, các chuyên gia… Ngoài ra, người làm báo cần có cái nhìn đa chiều, có tính phản biện về mặt chính sách để hoàn thiện vai trò “cầu nối” hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng nên chú trọng “làm mới” mình, xây dựng sản phẩm truyền thông đa dạng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho doanh nghiệp, tất nhiên là với chi phí hợp lý để các doanh nghiệp đều có khả năng tiếp cận được. Mặt khác, từ phía các doanh nghiệp, tôi nghĩ cần có sự hỗ trợ, hợp tác thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho báo chí; xây dựng mối quan hệ hợp tác với báo chí; sử dụng có chiến lược, hiệu quả các sản phẩm truyền thông của báo chí cho hoạt động kinh doanh của mình.

Bà Nguyễn Trinh - Giám đốc Tư vấn Truyền thông,
Vero Asean: “Báo chí còn có thể phát huy vai trò “tư vấn viên” cho các doanh nghiệp”

Báo chí là sợi dây bền chặt “se duyên”, giúp doanh nghiệp tạo nên “tình yêu” với thương hiệu từ khách hàng. Hiện nay, báo chí vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin xác thực và kịp thời, trong bối cảnh bạn đọc đang bị “bao vây” giữa vô vàn nguồn tin, trong đó bao gồm cả “fake news”. Với doanh nghiệp, báo chí cung cấp nguồn thông tin “trung lập”, giúp tiếp cận khách khách hàng mục tiêu chất lượng, khách quan. Chúng tôi đã hỗ trợ truyền thông cho nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hầu như họ vẫn chọn kênh báo chí là hình thức truyền thông chính, thay vì mạng xã hội.
Báo chí hoàn toàn có thể làm tốt vai trò như hiện nay, cộng thêm phát triển những vai trò không khác gì các mạng xã hội, thông qua việc nghiên cứu xây dựng nhiều nền tảng mới mẻ: Podcast, Youtube, Fanpage, Tiktok… Điều này có nghĩa, báo chí không bó buộc mình bởi những quy chuẩn truyền thống. Chỉ khi phát triển cùng cách đọc mới của độc giả, báo chí sẽ củng cố hơn nữa vai trò của mình. Độc giả ở đâu, “tờ báo” sẽ ở đó! Ngoài ra, báo chí còn có thể phát huy vai trò “tư vấn viên” cho các doanh nghiệp, bởi họ hiểu rất rõ người đọc muốn đọc gì, muốn nghe gì? Từ đó, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm truyền thông đúng với xu hướng, nhu cầu thực tế, rồi thông qua báo chí phân phối tới người dùng.
Với các doanh nghiệp nước ngoài còn “lạ nước lạ cái” khi đến Việt Nam, họ cần chủ động tiếp cận, tăng cường mối quan hệ với báo chí để dễ dàng hơn trong việc hiểu khách hàng của mình, từ đó có những kế hoạch kinh doanh bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp cần duy trì tâm thái hợp tác để cả hai bên hiểu nhau hơn. Chỉ khi có sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau, báo chí và doanh nghiệp mới có thể cùng phát triển và mang lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng.

Khánh Hưng (ghi)

Nguyễn Thị Ngọc Hải