Trước làn sóng AI: Thách thức của báo chí là dễ đánh mất giá trị cốt lõi
Công nghệ luôn có tính hai mặt. AI chỉ là công cụ, vì thế AI tốt cho người làm báo thì báo chí cũng phải đối mặt với mặt trái mà nó mang lại.
AI giúp báo chí biết độc giả đang cần gì
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ sống còn đối với từng cơ quan báo chí và mỗi nhà báo.
Chúng tôi đã sử dụng AI từ cuối năm 2020 và áp dụng vào hệ thống quản trị nội dung (CMS) với nhiều tính năng vượt trội để hỗ trợ phóng viên, biên tập viên trong việc soạn thảo, biên tập, tìm kiếm xu hướng, kiểm soát lỗi, gợi ý nội dung bạn đọc quan tâm, và hỗ trợ cán bộ quản lý, biên soạn nội dung, đồng thời liên kết với nội dung đã xuất bản, theo dõi, so sánh tin tức với các báo bạn, tìm kiếm và dự báo các xu hướng tin tức mới.
Từ giữa năm 2023, chúng tôi đã ứng dụng AI để biên tập tin, bài, tự động tổng hợp bản tin hằng ngày, chuyển đổi bản tin text sang audio, ứng dụng MC ảo. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhiều công đoạn của quá trình làm báo đã được rút ngắn, đơn giản hóa. Thay vì phải tìm kiếm nội dung liên quan từ kho dữ liệu, với hệ thống CMS được ứng dụng AI, phóng viên luôn được gợi ý nội dung liên quan, cách sử dụng từ khóa chuẩn SEO, cách đặt tít, phát hiện lỗi chính tả tự động, tìm kiếm ảnh theo nhận dạng khuôn mặt, biên tập viên và những người quản lý kiểm soát và theo dõi được xu hướng người đọc trên hệ thống để điều chỉnh vị trí nội dung tin, bài.
Đặc biệt với ứng dụng AI, VietNamNet đã kiểm soát được tỷ lệ tin bài tích cực, tiêu cực xuất bản trong ngày hay đang xuất hiện trên trang chủ, biết được mức độ lan tỏa, chia sẻ của từng tin bài trên không gian mạng để kịp thời điều chỉnh, thay đổi.
Tin giả không phải là thách thức lớn nhất mà AI đặt ra với báo chí
Công nghệ luôn có tính hai mặt. AI chỉ là công cụ, vì thế AI tốt cho người làm báo thì báo chí cũng phải đối mặt với mặt trái mà nó mang lại. Theo tôi, tin giả không phải là thách thức lớn nhất mà AI đặt ra với báo chí, bởi cái gì được tạo ra bằng công nghệ thì cũng có thể dùng công nghệ để chống lại.
Báo chí không đưa tin nhanh như mạng xã hội, nhưng báo chí đưa tin chính xác, tin có kiểm chứng. CNN là một ví dụ. Hãng tin này đã chuyển trạng thái từ “đưa tin nhanh nhất” thành “đưa tin chính xác nhất”, với slogan được chuyển từ “Be the first to know” thành “Facts first”.
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất đối với báo chí trước làn sóng AI chính là dễ đánh mất giá trị cốt lõi của chính mình. Người đọc hiện nay đang bị bủa vây bởi thuật toán của các mạng xã hội (MXH) theo cách mà các MXH ấy muốn. MXH chỉ gợi ý và đưa ra những tin tức theo xu hướng, hoặc cung cấp những thông tin mà người đọc muốn tin, thay vì đưa ra những tin tức cân bằng, khách quan, đa chiều. Báo chí trong cuộc cạnh tranh với MXH đang bị cuốn theo xu hướng này và bị MXH dẫn dắt, rất dễ đánh mất giá trị cốt lõi của mình.
Vì vậy, thay vì chạy theo, bắt chước MXH, báo chí phải thấy rõ giá trị của mình, giữ giá trị cốt lõi của mình. Người đọc trước đây quan tâm đến “ai, làm gì, ở đâu và khi nào”, người đọc hiện tại còn muốn biết phía sau các câu hỏi đó là gì. Đó có thể là một góc nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc, một sự gợi mở thú vị hay giải pháp cho một vấn đề nào đó. Vì thế, để giữ được giá trị cốt lõi của mình, báo chí phải phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn; nhà báo phải có góc nhìn toàn diện hơn, kể chuyện sinh động, thú vị và giàu cảm xúc hơn.
“Thách thức lớn nhất đối với báo chí trước làn sóng AI chính là dễ đánh mất giá trị cốt lõi của chính mình.”
Thích ứng với những khó khăn
Để chuyển đổi số trong báo chí, cũng có nhiều khó khăn mà các cơ quan báo chí gặp phải trong quá trình này. Trong đó, có ba vấn đề lớn.
Thứ nhất, sự thay đổi rất nhanh của công nghệ. Chúng ta chỉ vừa mới nói đến chuyện làm báo đa phương tiện, xu hướng “mobile first”, “social first” cách đây chỉ vài năm, hiện những điều đó đã cũ. Báo chí bây giờ là AI, big data, IoT, thực tế tăng cường… Các cơ quan báo chí hầu như chưa kịp bắt tay vào làn sóng công nghệ trước thì đã nhanh chóng lạc hậu bởi những sóng công nghệ mới hơn.
Thứ hai, nguồn lực tài chính. Để chuyển đổi số sẽ phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ, cho nhân lực làm công nghệ. Chi phí cho bộ phận công nghệ chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu chi phí chung. Ở tòa soạn chúng tôi, nhân lực công nghệ mới chiếm hơn 10%, nhưng chi cho đội ngũ này chiếm đến 30% chi phí chung. Những nhân sự công nghệ chủ chốt thu nhập cao gấp ba lần so với nhân sự chủ chốt làm nội dung.
Thứ ba là con người. Thu nhập của cơ quan báo chí không đủ hấp dẫn để thu hút được lực lượng làm công nghệ. Do vậy các cơ quan báo chí sẽ đối mặt với việc thường xuyên bị mất người, bởi sự chuyển dịch của nhân sự làm công nghệ sang các đơn vị có thu nhập cao hơn. Công nghệ gắn với giới trẻ, nhưng môi trường báo chí đòi hỏi yêu cầu cao về tính tuân thủ, về đạo đức, về tư tưởng… Vì vậy không dễ thu hút được giới trẻ vào làm việc trong các cơ quan báo chí. Đội ngũ làm báo thường có tuổi đời cao (trung bình hiện nay tại VietNamNet là trên 35), nên việc chuyển đổi, thích ứng với công nghệ khó khăn hơn giới trẻ, dẫn đến quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ diễn ra chậm và có nhiều lực cản.
(*) Tổng biên tập VietNamNet
KaMy (ghi)
“Muốn tồn tại, báo chí sẽ phải tập trung sản xuất nội dung sâu hơn, chất lượng cao và độc quyền hơn”