Quốc tế

Đồng yên yếu ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách quốc phòng của Nhật

Văn Phúc 25/06/2024 06:15

Kế hoạch nâng cao năng lực quốc phòng trị giá 43 nghìn tỷ yên của chính phủ Nhật trong 5 năm, có nguy cơ thất bại, do giá trị đồng yên đã giảm 30% so với USD trong 18 tháng qua.

Tháng 12/2022, chính phủ Nhật công bố kế hoạch chi 43.000 tỷ yên để nâng cấp quốc phòng đến năm 2027. Thời điểm đó, số tiền tương đương 400 tỷ USD, và tỷ giá hối đoái là 1 USD đổi 108 yên.

upload.wikimedia.org-wikipedia-commons-thumb-3-38-naming_and_launch_ceremony_of_ss_taigei.jpg-_1200px-naming_and_launch_ceremony_of_ss_taigei.jpg
Tàu ngầm Taigei hiện đại bậc nhất thế giới của Nhật - Ảnh: Wikipedia

Hiện nay, tỷ giá hối đoái của Nhật là 1 USD đổi 160 yên. Điều này làm cho ngân sách giảm xuống còn 272 tỷ USD. Như vậy, rất nhiều chương trình mua sắm từ bên ngoài có nguy cơ đổ vỡ, nếu không được bổ sung kinh phí. Nếu phải bổ sung, thì nguồn tiền sẽ lấy ở đâu?

Nửa thế kỷ qua, Nhật Bản duy trì kinh phí quốc phòng khoảng 1% GDP. Đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng gia tăng, Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác, đang có động thái gia tăng sức mạnh. Tokyo có kế hoạch tăng dần chi tiêu quốc phòng, lên 2% GDP vào năm 2027, ngang bằng với mục tiêu của khối quân sự NATO.

Trong cuộc họp chính phủ vào tháng 2/2024, đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) cầm quyền nói rằng, con số 43.000 tỷ yên không nên cố định, mà cần linh hoạt tùy theo thay đổi về tỷ giá hối đoái và giá nguyên vật liệu.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra các thay đổi trên thực tế. Ví dụ máy bay chiến đấu F-35A tiên tiến, có giá 11,6 tỷ yên năm 2018, nhưng do biến động tỷ giá hối đoái và lạm phát, năm 2024 mỗi chiếc lên tới 14 tỷ yên.

Tàu chiến của hải quân được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hiện đại, năm 2020 giá mỗi chiếc khoảng 240 tỷ yên, đến 2024 giá mỗi chiếc đã tăng lên 392 tỷ yên.

Ngay cả thiết bị quốc phòng sản xuất tại Nhật Bản, cũng chị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái, vì nhiều thành phần mua ở nước ngoài. Khi tàu ngầm "cá voi lớn" lớp Taigei của Nhật Bản đi vào hoạt động vào năm 2022, chi phí đã tăng khoảng 35% so với ước tính ban đầu, do giá thép và chất bán dẫn lên cao.

Trong phiên điều trần về ngân sách tháng 11/2023, các nghị sĩ đối lập hỏi Thủ tướng Fumio Kishida liệu kế hoạch tăng cường tiềm lực quốc phòng có vượt quá 43 nghìn tỷ yên hay không? Nhà lãnh đạo LDP khẳng định, kế hoạch chưa thay đổi.

Bộ Quốc phòng cũng nói với các nhà lập pháp rằng, thiết bị cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được mua trên cơ sở ưu tiên. Ví dụ giảm tên lửa hành trình Tomahawk, thì con số 43 nghìn tỷ yên vẫn trang trải được.

Văn Phúc