Đời thường

Tiễn đưa doanh nhân Trần Phương Bình

Lữ Ý Nhi 24/06/2024 - 15:25

Khi hay tin ông bị bệnh hiểm nghèo và qua đời, tôi và nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên cũ của ông không khỏi bàng hoàng. Với tôi, ông luôn là một doanh nhân thuộc thế hệ đời đầu đáng kính (tính từ sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975) với tinh thần luôn tiên phong và đổi mới.

Sáng 23/6, đoàn xe và dòng người thân, gia đình, bè bạn, đồng nghiệp… những người yêu mến ông Trần Phương Bình đã lặng lẽ tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn di ảnh của ông, mái tóc bạc và đôi mắt buồn đăm chiêu (cảm nhận của riêng tôi), tôi nhớ lại thời “vẻ vang” mà cũng nhiều sóng gió của ông.

Từng là nhà giáo mô phạm trên bục giảng Trường Trung học Tài chính TP.HCM, ngỡ rằng “nghiệp làm thầy” sẽ gắn bó với ông nhưng đến năm 1990, ông Bình lại quyết định “bẻ lái” trở thành lãnh đạo ngân hàng. Năm 1998, ông làm Tổng giám đốc DongA Bank. Trong một lần trả lời phỏng vấn Doanh Nhân Sài Gòn: “Vì sao ông lại quyết định “bẻ lái”?, ông nói : “Cuộc đời là vậy - mình cũng phải vận động theo, không thể cưỡng lại được vòng xoáy ấy”.

Điều không ngờ là suốt những năm làm ngân hàng sau đó, chữ “vòng xoáy” đã vận lấy ông. Những năm 1980, đầu 1990, trong vòng xoáy các cơ sở tín dụng tại TP.HCM đổ bể như một nạn dịch với nhiều hệ lụy và di chứng. Khi đó, công cuộc đổi mới vừa mới manh nha nên niềm tin của dân có phần chao đảo. Với suy nghĩ có tính tiên phong, mới mẻ: “Những gì Nhà nước làm được thì tư nhân cũng làm được”, ông lao vào vòng xoáy thị trường tài chính và đã cùng vợ - bà Cao Thị Ngọc Dung vượt qua khó khăn để giữ vững và duy trì thương hiệu PNJ trước nhiều cơn sóng dữ, có cả cơn sóng dữ từ sự khắc nghiệt, đố kỵ của một số người với thành công của một phụ nữ, chính là vợ ông, đã làm nên thương hiệu nữ trang có uy tín lúc bấy giờ.

Ai đã trải qua thời kỳ những năm đầu mở cửa, sẽ cảm nhận sự khắc nghiệt của người làm kinh doanh và thương trường những năm đó. Dù PNJ chưa phải công ty lớn nhưng những năm tháng đầu tiên, với quá nhiều áp lực bị thanh tra, kiểm tra, thậm chí là điều tra vì có tính hình sự diễn ra liên tục khiến bà Dung đã có lúc nản lòng muốn bỏ cuộc. Nhưng chính sức mạnh tinh thần và sự trợ lực của ông Bình, nhất là sự động viên của ông: “Vàng thiệt không sợ lửa, hãy chứng minh mình là người thế nào”, bà Cao Thị Ngọc Dung đã vững vàng hơn để có PNJ ngày hôm nay.

Với sự đồng thuận cả hai vợ chồng, năm 1992 ngân hàng Đông Á ra đời. Chỉ 20 tỷ đồng vốn ban đầu, ông Bình tìm cách đột phá đưa ngân hàng đi lên bằng phương án cho vay nhỏ, lãi suất thấp tại các chợ. Tiểu thương vui lắm vì không phải chịu nạn tín dụng đen. Cách làm này đã giúp số tiền quay vòng trong dịch vụ lên đến 500 tỷ đồng mỗi năm và uy tín ngân hàng lan xa.

1719134063.jpg
Làm ngân hàng thì phải có mặt đúng lúc doanh nghiệp cần

Khi hỏi ông : “Vì sao ông có suy nghĩ đột phá và có sợ không vì đó vẫn là dịch vụ nóng?, ông nói: “Tôi không phải là người phát minh ra điều gì khác lạ. Tôi chỉ tin ở tấm lòng và sự trong sáng của chính mình. Điều quan trọng nhất của ngân hàng là phải đồng hành được với khách hàng. Sự chia sẻ với khách hàng sẽ quyết định uy tín của ngân hàng”.

Có lẽ vì cách làm đó, tấm lòng đó mà những năm ông bị vướng vòng lao lý, rất nhiều khách hàng, nhất là các tiểu thương, người buôn bán nhỏ và doanh nghiệp vẫn nhớ đến ông với một tấm lòng. Ông từng nói: “Tôi không quan niệm khi ngân hàng cho một doanh nghiệp vay vốn là ban ơn, nên không có chuyện hàm ơn. Tôi quan niệm đơn giản là làm ngân hàng thì phải có mặt đúng lúc doanh nghiệp cần”.

Khoảng năm 2013, có lần tôi hỏi ông: “Mấy năm nay thấy anh bạc tóc nhiều. Làm ngân hàng khó đến vậy?”

Ông nói: “Thị trường ngân hàng còn nhiều cái để làm nhưng luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt không theo quy luật nào. Khi tôi bước vào “vòng xoáy” ngân hàng, mái tóc còn xanh. Chỉ chục năm qua, “vòng xoáy” đó đã khiến tóc tôi ngả sang muối tiêu, mà muối nhiều hơn tiêu. Một phần do quy luật sinh - lão - bệnh - tử của tạo hóa, phần do làm ngân hàng nhiều áp lực. Ranh giới đúng - sai ngay lúc này đây cũng khó phân định”.

Dù là vậy, nhưng lúc nào gặp ông, tôi cũng thấy ông luôn lạc quan và tin vào con đường phía trước đang đi. Trong một dịp gặp mặt báo chí cuối năm, ông nhớ lại câu hỏi phỏng vấn của tôi trước đó còn bỏ ngỏ: “Niềm tin của ông với con đường phía trước thế nào? Khi đó, ông xin phép cho suy nghĩ, dù câu hỏi không khó” và câu trả lời của ông tại buổi gặp mặt cuối năm 2014 là: “Sống trong cuộc sống cần lắm một tấm lòng. Đơn giản vậy và đó là câu tôi mượn của nhạc sĩ Trịnh công Sơn”, ông nói.

Những năm sau đó, Ngân hàng Đông Á dưới sự điều hành và dẫn dắt của ông Bình, dù phải trải qua nhiều cơn thử lửa và khó khăn của cả thị trường và cơ chế, chính sách, đặc biệt là ngành ngân hàng trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, nhưng ông Bình vẫn luôn bình tĩnh, quyết đoán, tìm cách tiên phong và tiên liệu mọi hướng đi. Ông nói, đó là cái khó và kỹ năng phải có của người làm doanh nhân và thuyền trưởng con tàu doanh nghiệp vào thời buổi hội nhập.

Với định hướng của ông, từ một ngân hàng nhỏ bé chỉ với 20 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 1992 đã trở thành ngân hàng vốn 5.000 tỷ đồng vào năm 2014, DongABank đã trở thành một hiện tượng trên thị trường tài chính ngân hàng. Giai đoạn 2003-2007, DongABank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam, với gần 8,4 triệu khách hàng sử dụng. Doanh số thanh toán quốc tế vượt 2 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm 2011, lợi nhuận sau thuế của DongABank đã lên tới gần 950 tỷ đồng. Đây là một con số mà nhiều ngân hàng lớn cũng phải mơ ước.

Có lần ông Bình tâm sự, nếu là giáo viên, cứ bước lên bục giảng là đã có được những sự tôn trọng nhất định nhưng khi bước sang con đường kinh doanh thì mọi chuyện lại không hề đơn giản như thế. Việc được người ta nể trọng hay coi thường hầu như đều phụ thuộc phần lớn vào quá trình cũng như kết quả những việc mà bản thân mình đã làm được.

Những điều ông nói và nhiều câu nói tôi được nghe ông chia sẻ, đến giờ ngẫm lại và liên tưởng đến những tháng ngày cuối sự nghiệp và cuối cuộc đời của ông, của một doanh nhân, một người lãnh đạo từng lừng lẫy một thời, tôi thấy vẫn còn nguyên ý nghĩa và triết lý sâu sắc. Một cảm giác vừa trân quý, vừa tiếc, vừa xót xa cho ông, cho cuộc đời của một người doanh nhân. Dù ông có mắc sai lầm thì những gì ông đã cống hiến và làm nhiều điều tốt cho cuộc đời và cho mọi người, gia đình, bè bạn, người thân... vẫn luôn được mọi người ghi nhận trân trọng và đáng quý.

Xin vĩnh biệt doanh nhân Trần Phương Bình và cầu mong anh thanh thản nơi bình yên nhất.

Lữ Ý Nhi