Đời thường

Đường xưa lối cũ giờ đẹp bội phần…

Quảng Yên 23/06/2024 - 21:14

Hát “Đường xưa lối cũ” nhưng thích đi máy bay - chuyện dễ hiểu. Thời sự là xu hướng sống chậm - bền vững, hy vọng sẽ giúp du lịch Việt Nam phát triển đa dạng hơn. Người Việt sẽ đi chậm ngắm nhìn xứ sở để biết Tổ quốc mình đẹp cỡ nào để mà yêu hơn.

32-1.jpg

Thích đi máy bay là một “điểm mới” của con người thời đại. Nhưng là một thách thức đối với kinh doanh.

Bao người vẫn hát “Đường xưa lối cũ” nhưng lại đã có người dồn tiền “ngồi ăn theo” tên lửa của tỷ phú Elon Musk.

Chỉ bàn với nhau để nhớ, để mong du lịch phát triển đáp ứng thiên hạ ngày càng khó tính khó chiều.

“Đường xưa lối cũ/ Có ánh trăng soi đường đi/ Có tiếng ca trên sông dài/ Có tiếng tiêu ru lòng ai”… Tất cả nỗi nhớ nhung ấy, phong cảnh ấy vẫn còn nguyên, ngày càng tươi đẹp, phong phú nhưng không có mấy ai về mà ngắm nữa rồi.

Ngày Tết, hàng triệu người “Xuân vận” chật ních về quê, nhưng rồi vì mưu sinh, vì lối sống đã khác, thân thương nhớ nhưng ở lâu lại mau muốn rời đi. Đi rồi lại than thương nhớ. Cứ loanh quanh như thế.

Tâm lý, lối sống mới. Gần thì đi ô tô, xa thì đi máy bay. Giao thông ùn tắc. Người ta hỏi nhau vì sao đường sắt thất thế trong khi giá vé khá thấp, ngồi tàu tha hồ ngắm phong cảnh, và dịch vụ có đủ trên những toa mới siêu đẹp xuyên Việt.

“Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi” - niềm tự hào phong cảnh đất nước. Nếu du lịch xuyên Việt bằng đường bộ thì thua gì những con đường tuyệt đep của Nam Phi cuốn hút khách du lịch đi quanh co rồi ra mũi Hảo Vọng ngắm biển xanh, thu bộn tiền. Chỉ có điều khác là họ đã khai thác du lịch triệt để. Riêng ứng dụng đường bộ toàn cầu “All trails” đã liệt kê có tới 3.700 cung đường đi bộ xuyên rừng ở Nam Phi. Kenya có 20, Tanzania 21… Trải dài cảnh quan núi, rừng, sa mạc... có 9 con đường đi bộ nhiều ngày để đến biển xanh. Họ tổ chức tốt, có lều ngủ qua đêm. Nghe mà ao ước. Việt Nam thiếu gì những con đường qua rừng qua núi thấy biển xanh như thế?

Đường sắt Viêt Nam đã có nhiều cải tiến. Cũng có nhiều đoàn tàu xuyên Việt chất lượng 5 sao, có khoang hai giường sang trọng nhưng sao vẫn “thất thế” so với đường hàng không dù đắt hơn nhưng người đi rầm rộ?

Cơ sở hạ tầng cũ, lạc hậu của đường sắt, tốc độ chậm là những điểm yếu trong thời đại thiên hạ muốn ngồi tên lửa của Elon Musk. Thật khó cho đường sắt Việt Nam.

Ấy vậy mà trên CNN mới đây lại có bài viết làm du khách mê: “Tuyến tàu sang trọng mới Việt Nam có cảnh quan ven biển tuyệt đẹp”. Họ mê trời chiều thưởng trà ngắm trời, ngắm cảnh ngoài cửa sổ. Tập đoàn Amantara về khách sạn đang khai thác nhu cầu xuyên Việt trên con tàu này. Du khách mê có nhiều vịnh ấn tượng và bãi biển tuyệt vời. Du khách mê có núi, có cánh đồng lúa và ao sen. Du khách thích cà phê, cocktail, trứng cá muối địa phương, fomat thủ công, và 5 phút trị liệu đầu cổ. Tất cả đều có trên những chuyến tàu hạng sang ấy.

Đọc CNN mà mong, mà tiếc. Rất đông người Việt chưa thật biết thế mạnh du lịch này. Họ vẫn hối hả đi máy bay cho nhanh.

Nhìn ra thế giới xem. Nhật đang đương đầu với nạn “du lịch quá mức”, “khách làm phiền dân địa phương”, “ăn uống ở bãi đỗ xe, đột nhập sân thượng”. Phải gọi cảnh sát.

Nhật phải chặn những điểm chụp ảnh, quay phim núi Phú Sỹ, dựng cả rào chắn tầm nhìn núi vì không đủ chỗ cho du khách và để bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Xu hướng toàn cầu đã chuyển qua du lịch chậm và bền vững.

Đó là niềm hy vọng của du lịch Việt Nam trong khi đông đảo dân Viêt chưa nhận biết hết vẻ đẹp hiếm có của đất nước mình.

Thời sự nhất, gạt hết các yếu tố tôn giáo, thì cuộc du hành của ông Lê Anh Tú - Minh Tuệ mà người ta đi theo hàng đoàn trải dài xuyên đất nước cũng chính là một khía cạnh của cuộc du hành xuyên Việt để biết Tổ quốc mình đẹp cỡ nào để mà yêu hơn…

Hát “Đường xưa lối cũ” nhưng thích đi máy bay - chuyện dễ hiểu. Thời sự là xu hướng sống chậm - bền vững, hy vọng sẽ giúp du lịch Việt Nam phát triển đa dạng hơn. Người Việt sẽ đi chậm ngắm nhìn xứ sở của mình giờ đã đẹp hơn đường xưa lối cũ bội phần.

Quảng Yên