Doanh nhân và sách

Nhớ một phụ nữ kiên cường

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh 21/06/2024 20:30

Cuộc đời được ví như một con đường dài. Chẳng ai biết trước trên con đường ấy đâu là sông sâu phải qua và dốc cao phải vượt. Chị bạn tôi, nhà báo Nguyễn Minh Hiền cũng vậy.

1.

Hai mươi tuổi, khi ngọn lửa chiến tranh chưa tắt, chị lập gia đình với khát khao đứa con được sinh ra trong hòa bình. Gia đình lớn của chị đông con, mấy chị em gái đều sinh nở suôn sẻ. Ai mà biết được riêng chị lại khó khăn đến thế. Chờ đợi, chạy chữa (ai chỉ thầy nào cũng tới, thuốc nào cũng tìm) và lại chờ đợi. Cứ thế, phải chờ những 15 năm sau hôn nhân, chị mới được nghe tiếng khóc chào đời của đứa con.

Tiếng khóc kỳ diệu đã thổi khô những giọt nước mắt sung sướng chảy tràn trên gương mặt người đàn bà lần đầu làm mẹ. Đứa con trai đầu tiên và cũng là duy nhất ra đời năm 1986 ấy đâu biết mẹ nó đã trải qua những năm tháng đấu tranh quyết liệt như thế nào với số phận. Buông xuôi, phó mặc hay bước tiếp. Và chị đã chọn lựa cách tiếp tục bước tới, cách vượt qua những trở ngại về y lý và cả tâm lý còn dày đặc trong một xã hội thoát thai phong kiến để giành lấy quyền được làm mẹ.

Tôi đã từng ngắm nhìn chị hạnh phúc đến thế nào khi đứa con từng ngày lớn lên, thông minh đĩnh ngộ hơn cả niềm mong đợi của người đã gian khổ sinh ra nó. Và tôi biết, người đàn bà ấy không chỉ quyết tâm giành quyền làm mẹ mà cũng đã rất quyết liệt bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình mình.

Vì chị hiểu rõ, sự toàn vẹn gia đình (tất nhiên là sự toàn vẹn trên nền tảng các giá trị cơ bản của con người như trình độ hiểu biết, kỹ năng lao động, khả năng hòa nhập với xung quanh) chính là điều kiện rất quan trọng để đứa con trai quý giá của chị được bình an phát triển, trưởng thành, hạnh phúc. Cũng giống như 15 năm trước khi sinh con, bắt đầu làm vợ là chị cũng bắt đầu quá trình hoàn thiện bản thân mình, không phải chỉ để cho bản thân mà là để cho con sau này.

Chiến tranh đã tước đi của chị cơ hội học tập đến nơi đến chốn. Vậy nên chị đã tự học với những người thầy, người bạn xung quanh mình và với những cuốn sách hiếm hoi được cất giấu dưới hầm sâu trong chiến khu.

Hòa bình đến vào 1975, ở lứa tuổi nhiều người đã tốt nghiệp đại học, chị quyết định tạm xa vị trí phóng viên báo Giải Phóng để đi học bổ túc văn hóa, thi tốt nghiệp phổ thông trung học và sau đó vừa làm việc ở nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất chương trình Cử nhân kinh tế. Chị tự nhủ, làm mẹ phải tốt đã đành nhưng còn phải có chữ nghĩa để giúp con trưởng thành tốt hơn. Vả lại, là người làm việc, nếu có nền tảng kiến thức tốt thì hiệu quả công việc chắc chắn tốt hơn.

2. Gần năm mươi tuổi, trong một lần đi khám bệnh, chị nhận được kết quả chẩn đoán: ung thư. Sau này, khi tâm thái đã an bằng trở lại, chị tâm sự với tôi: hồi ấy, trong cơn điếng hồn, trời đất quay cuồng như sắp sập xuống, bỗng một ý nghĩ lóe lên để chị níu lấy như níu một cái phao cứu sinh.

Ý nghĩ ấy là, nếu mình chết lúc này thì thật là tội nghiệp cho đứa con trai duy nhất chưa kịp vào phổ thông trung học. Chị tha thiết nói với bác sĩ Chấn Hùng: “Anh cố giúp chữa trị để Minh Hiền sống được đến khi con trai học xong lớp 12. Đau mấy, khó mấy Minh Hiền cũng sẽ ráng chịu đựng để sống thêm với con, thêm năm nào tốt cho con năm đó”.

Với suy nghĩ ấy, chị bắt đầu dấn những bước chân vừa lạc quan vừa khắc khoải vào giai đoạn điều trị ung thư. Hai lần giải phẫu và những đợt hóa trị dài ngày. Chưa kể đến sự tốn kém và công sức mà chồng chị và các anh chị em trong gia đình đã yêu thương chiu chắt dành cho chị suốt nhiều năm, chỉ riêng sự đau đớn, khó chịu khủng khiếp mà người trong cuộc mới thấu hiểu đã lấy đi của chị biết bao sức lực thể chất và tinh thần. Vậy mà trong từng ấy năm, rất nhiều người không hề biết chị mắc bệnh hiểm nghèo. Than thở, kể lể, dựa dẫm để được chiếu cố không phải là thái độ ứng xử mà chị lựa chọn. Người ta vẫn thấy chị liên tục làm việc.

Rời vị trí Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM năm 1996, sau 4 năm làm việc trong không khí đổi mới quyết liệt ở đó, chị chuyển ngay sang báo Đại Đoàn Kết để làm chủ biên ấn phẩm Đại Đoàn Kết Cuối tuần thay vì nhận quyết định làm phó một ban của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM.

Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, ấn phẩm này đã được nhiều đồng nghiệp báo chí có uy tín nhìn nhận là có tầm vóc nghề nghiệp và hàm lượng trí tuệ. Rồi, gần như ngay sau đó, chị lại nhận lời làm Tổng biên tập tờ nội san của Hiệp hội Công Thương TP.HCM, mọi sự khởi đầu từ số không, vậy mà chỉ một thời gian ngắn tờ nội san này đã chuyển mình thành tuần báo Doanh nhân Sài Gòn ngày càng chững chạc về nội dung và hình thức, đàng hoàng sánh vai với nhiều tờ báo tử tế.

Trên cương vị Tổng biên tập tờ báo của giới doanh nhân, chị đã có công lớn cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất thành công với Chính phủ chọn ngày 13 tháng 10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nhân tử tế khi nhớ về báo Doanh nhân Sài Gòn thời Minh Hiền làm Tổng biên tập đều cho rằng, đó là một tờ báo luôn lấy sự ủng hộ doanh nhân nỗ lực đưa doanh nghiệp của mình vươn lên sống còn làm mục tiêu của trang báo thay vì tiếp tay với cái xấu chèn ép các doanh nghiệp tử tế.

quyet2.jpg
Nhà báo Minh Hiền và tác giả bài viết - Thế Thanh, Đà Nẵng, 01/6/2005. Ảnh: tư liệu gia đình

3.

Khi không còn trực tiếp làm báo trong biên chế nữa, Minh Hiền chuyển sang hợp đồng làm chủ biên mảng Văn hóa-Xã hội của báo Sài Gòn Tiếp Thị kiêm giám đốc một quỹ phi chính phủ về phát triển giáo dục (EDF). Người phụ nữ đã bước sang độ U.60, với căn bệnh hiểm ác còn nấp ủ trong cơ thể, thỉnh thoảng vẫn sải dài những bước chân không còn rắn rỏi đi tới Quảng Ngãi, Bến Tre, Vĩnh Long để thực hiện các dự án tín dụng nhỏ cho các gia đình nghèo cam kết vượt khó và cam kết không để con trẻ trong nhà bỏ học giữa chừng. Giữa những chuyến đi xa, đi gần là khoảng thời gian nhỏ nhoi chị dành ra để viết. Có bài gửi đăng báo, có bài viết chỉ để dành đó như vừa trả xong một món nợ tinh thần. Bạn bè vẫn thấy chị vui vẻ cùng họ tham dự những buổi hòa nhạc, những buổi xem kịch, xem phim. Cả những chuyến du lịch xa gần của nhóm bạn nữ chúng tôi (Thúy Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Hậu, Lê Hoàng Anh) cũng luôn có câu chuyện và tiếng cười của chị. Và đặc biệt nhất là những bữa ăn ngon do chính tay chị nấu.

Bạn bè và cũng là thực khách thường xuyên ở nhà chị cứ mãi tấm tắc món cá rô mề kho và cá rô mề nấu ngót mà họ bảo đã thành “thương hiệu độc quyền” mang tên chị. Cái cách chị đi chợ chọn cá sao cho chuẩn, cái cách chị nấu nướng khéo léo lẹ làng và mời dọn ân cần khiến cho người ta ăn mà vui, mà quên mất người đang phục vụ mình kia là bệnh nhân ung thư và vẫn còn ở trong vòng đe dọa bất chợt của nó.

Con trai chị đã tốt nghiệp phổ thông chương trình song ngữ Pháp-Việt, đã hoàn thành chương trình đại học và đã lấy hai bằng thạc sĩ ở Pháp. Những lúc vui chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, chị khoe vẫn thường xuyên “chát” với con trai, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cho các chị bạn có con đang học ở nước ngoài là nên gửi tài liệu gì qua đường email cho con để hỗ trợ nó cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Chưa hết ngạc nhiên về lòng yêu đời ở chị, ấy là những khi chị xách về một chùm túi xách đẹp và thảy cho đám phụ nữ cùng cơ quan: “Ngắm đi, thích cái nào thì lựa đi và trả tiền cho tui. Tui đi ngang cửa hiệu thấy đề bán túi hạ giá, mê không cưỡng được phải vô coi, lựa dùm và trả tiền dùm cho mấy bà luôn rồi đây nè”.

Đám phụ nữ xúm vô lựa túi và khi coi giá để trả đã rú lên vì sung sướng. Tôi nhìn chị ngồi giữa niềm vui thường tình ấy của thiên hạ mà nghĩ: nếu không có một nghị lực mạnh mẽ, một thái độ sống tích cực, một niềm lạc quan tràn đầy thì người đàn bà nhỏ nhắn ấy sao có thể đối mặt và vượt qua cái bẫy sinh tử mà cuộc đời đột ngột giăng ra với chị.

quyet4.jpg
Nhà báo Minh Hiền và các nghệ sĩ góp tiền xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở Càng Long, Trà Vinh, Ảnh: NH

Lần cuối cùng gặp chị trong bệnh viện vào ngày 23 tháng 4 năm nay, nhìn đôi mắt gắng sức mở to của chị, tôi thấy rõ chị đã thực sự bỏ lại phía sau những chướng ngại khủng khiếp của cuộc đời, hệt như một vận động viên đã ở trên đỉnh dốc nhìn lại chặng đường vừa vượt qua. Nhưng không phải với một thái độ kiêu hãnh đơn giản của người chinh phục. Cái nhìn cuối cùng của người đàn bà ở độ hoàng hôn của cuộc đời và đã qua biết bao thăng trầm ấy nói với tôi một điều thật giản dị và cũng thật thiêng liêng: cuộc sống mà mỗi chúng ta được ban tặng thật quý giá, và nó chỉ thực sự quý giá khi chúng ta biết đấu tranh không khoan nhượng để gìn giữ nó, biết biến mỗi ngày sống là một ngày có ích cho cuộc đời.

Đến tận phút giây sống cuối cùng, trong mắt những người thân ruột thịt, bạn bè và đồng nghiệp, Minh Hiền với cả một đời làm báo, làm người vẫn nguyên vẹn là một con người tử tế, rất hiền dịu trong cư xử nhưng luôn không khoan nhượng khi đứng về cái thiện, cái đúng để đấu tranh với cái ác, cái xấu.

Một phụ nữ hết mực đẹp dịu dàng, hết mực can trường. Đó là hình ảnh nhà báo Minh Hiền được yêu thương và ghi nhớ trong tâm trí những người từng sống và biết chị.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của cố nhà báo Minh Hiền - Nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn), ra mắt sách "Quyết liệt sống" viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Trong sách, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã chia sẻ những ký ức về nữ nhà báo dành cả đời cống hiến cho nghề báo. Đây là một trong những bài viết trong sách "Quyết liệt sống".

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh