Quốc tế

Các quốc gia đang phát triển trả lãi từ vay nợ ngày càng nhiều

Văn Phúc 20/06/2024 - 21:59

Theo Ngân hàng Thế giới, các nước đang phát triển dự kiến phải trả tiền lãi và chi phí liên quan cao kỷ lục, là hơn 130 tỷ USD do vay nợ nước ngoài vào năm 2023. Năm 2024 có thể còn cao hơn. Điều này làm dấy lên lo ngại, về sự phát triển bền vững toàn cầu.

Tổng nợ nước ngoài của các nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ hay Bangladesh đã giảm 3% vào năm 2022 so với năm 2021, xuống còn 8,97 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên tiền lãi phải trả lại cao hơn, do lãi suất tăng và biến động tỷ giá tiền tệ.

s3.amazonaws.com-iexplore_web-images-assets-000-013-398-full-_shopping_bangaldesh.jpg
Một khu chợ ở Bangladesh - Ảnh: iExplore

Năm 2022, 75 quốc gia có thu nhập thấp chịu áp lực lớn khi phải trả lãi và các chi phí liên quan lên đến 88,9 tỷ USD. Riêng lãi là 23,6 tỷ USD. Con số dự kiến sẽ tăng thêm 50% là khoảng 137 tỷ USD vào năm 2023.

Các nước đang phát triển dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 3,9% vào năm 2024, ít hơn 1% so với mức trung bình trong 1 thập kỷ qua. Ngân hàng Thế giới cảnh báo, lạm phát và lãi suất cao đang tạo áp lực lên hoạt động kinh tế. Điều này cũng gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu nói chung.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 4 rằng, sự tăng tốc nhẹ của các nền kinh tế tiên tiến, sẽ bù đắp bởi sự chậm lại ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Để ứng phó, Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu hỗ trợ các nước thu nhập thấp thông qua nhiều chương trình khác nhau. Hiện tại, ngân hàng đang đàm phán với các bên tài trợ, để bổ sung nguồn lực.

Ông Akihiko Nishio, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói: “Chúng tôi muốn có nhiều hơn mức 93 tỷ USD đạt được cuối năm 2021. Mục tiêu là 105 tỷ USD. Điều này sẽ giúp hỗ trợ hữu hiệu với khối quốc gia chậm phát triển.”

Ông Nishio khẳng định, tính minh bạch là yêu tố quan trọng để giải quyết vấn đề nợ tại các nước đang phát triển. Thật khó để đàm phán tái cấu trúc nợ, nếu không có 1 bức tranh rõ ràng về con đường sẽ đi và kết quả đạt được.

Ví dụ, Zambia sau khi vỡ nợ năm 2020, đã mất 3 năm để đàm phán tái cấu trúc các khoản vay. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Zambia, nhưng quan hệ 2 nước khá phức tạp. Trung Quốc cũng thường không công khai các khoản nợ và điều kiện vay.

Trung Quốc là bên cho vay lớn của Sri Lanka. Trong khi các chủ nợ khác như Nhật Bản, Pháp và Ấn Độ đang đàm phán, để giảm bớt gánh nặng cho quốc đảo Nam Á, thì Trung Quốc vẫn đứng ngoài quan sát.

Ông Nishio nhấn mạnh tầm quan trọng, của việc tiếp tục đối thoại, nói rằng Bắc Kinh đang chú ý nhiều hơn đến rủi ro vỡ nợ.

Văn phòng Nội các Nhật Bản hôm 11/6 công bố hướng dẫn mở rộng các doanh nghiệp ở những nước đang và chậm phát triển. Giải quyết vấn đề nợ nần tại các nước này, là điều kiện quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh.

Văn Phúc