Quốc tế

Ngân hàng Thế giới giảm dự báo tăng trưởng của Myanmar do nội chiến

Nguyên Phước 20/06/2024 17:46

Theo phân tích mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xung đột liên miên và quân đội áp đặt chế độ nghĩa vụ quân sự, đang đẩy kinh tế Myanmar vào cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Ngân hàng Thế giới dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội của Myanmar sẽ tăng 1% trong năm tính đến tháng 3/2025. Tháng 12/2023, tổ chức này dự báo mức tăng trưởng là 2%. Trong báo cáo công bố hôm 12/6, tăng trưởng chậm hơn được giải thích do lạm phát cao dai dẳng, thiếu lực lượng lao động, thiếu ngoại tệ và hệ thống điện không ổn định.

static.dw.com-image-_49343166_605.jpg
Myanmar đang nội chiến và bất ổn nghiêm trọng - Ảnh: DW

GDP của Myanmar được báo đã tăng 1% trong năm tính đến tháng 3/2024.

Báo cáo cho biết thêm, xung đột ảnh hưởng tới tiêu dùng tư nhân, sản xuất nông nghiệp, gián đoạn thương mại với Trung Quốc và Thái Lan, gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, nhiều thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, đã di cư tới vùng nông thôn hoặc nước ngoài, đẩy nhiều ngành công nghiệp thiếu nhân lực.

Báo cáo được đưa ra khi chính quyền quân sự do tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, đang chật vật với khủng hoảng kinh tế, xã hội và nhân đạo. Khủng hoảng cũng đặt câu hỏi, về việc các dự án hạ tầng hợp tác với Trung Quốc và Nga, có hoàn thành đúng hạn hay không?

Theo báo cáo, nền kinh tế Myanmar hiện nhỏ hơn so với năm 2021 khi chưa có đảo chính. Từ 2021 tới nay, nền kinh tế đã giảm gần 20%.

Báo cáo có đoạn: “Sự mất giá của đồng kyat nội tệ, thiếu ngoại tệ và khó khăn trong xuất nhập khẩu, dẫn đến giá cả tăng và lạm phát dai dẳng. Mất điện cũng thường xuyên hơn, do nhiều nhà máy phụ thuộc vào dầu diesel.”

Khoảng 33% công ty được Ngân hàng Thế giới khảo sát tháng 4/2024 nói rằng, mất điện là thử thách nghiêm trọng.

Giao thương xuyên biên giới cũng suy giảm do xung đột. Tại bang Shan giáp Trung Quốc ở phía Bắc, lực lượng dân tộc thiểu số từ tháng 10/2023 đã phát động chiến dịch 1027, nhằm đánh bật quân đội quốc gia của tướng Min Aung Hlaing khỏi nhiều vị trí quan trọng. Hàng trăm binh lính 2 bên đã thiệt mạng.

Theo Ngân hàng Thế giới, từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, xuất khẩu của Myanmar giảm 13%, nhập khẩu giảm 20%. Không tính khí đốt tự nhiên, xuất khẩu qua biên giới đất liền giảm 44%. Nhập khẩu qua biên giới đất liền thì giảm 50%.

Buôn bán xuyên biên giới với Trung Quốc hoặc Thái Lan, đã bị ngưng lại ở những cửa khẩu do lực lượng phiến quân kiểm soát. Buôn bán bằng đường biển hoặc đường hàng không, hiện vẫn chưa bù đắp được.

Một nhà đầu tư nước ngoài tại Yangon nói với Nikkei Asia: “Buôn bán qua cửa khẩu Myawaddy giáp Thái Lan không còn an toàn nữa. Không ít công ty phải dùng xà lan vận chuyển bằng đường biển xuống phía Nam. Điều này làm tăng chi phí. Một số công ty cũng tính rút khỏi Myanmar, do công nhân nghỉ việc và chạy trốn, vì sợ bị bắt đi lính.”

Ngân hàng Thế giới khẳng định, một số ngành công nghiệp và nông nghiệp đang chết dần do không có nhân sự. Tỷ lệ nghèo đói trong giai đoạn 2023 - 2024 của Myanmar ước tính là 32,1%, trở lại mức như năm 2015.

Nguyên Phước