Doanh nhân và sách

"Quyết liệt sống": Khắc họa cảm động và đa chiều về cố nhà báo Minh Hiền

Khánh Hưng - Ảnh: Quỳnh Lâm 20/06/2024 16:43

Sáng 20/6, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của cố nhà báo Minh Hiền - Nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn), tổ chức lễ ra mắt sách "Quyết liệt sống", khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của một người dành cả đời dấn thân với nghề báo. Ngoài ra, sách còn phản ánh nhiều thông tin lịch sử gắn với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.

"Quyết liệt sống" tập hợp những bài viết của nữ nhà báo Minh Hiền và về nhà báo Minh Hiền, do ông Nguyễn Hồ - chồng bà kỳ công viết, tổng hợp và biên soạn.

img_1916.jpg

Theo ông Nguyễn Hồ, cụm từ "Quyết liệt sống" được lấy làm tựa sách, bởi ý tưởng từ bài viết của nhà báo Thủy Cúc (báo Tuổi trẻ) vào năm 2016, với mong muốn gợi lại những ký ức đẹp về nhà báo Minh Hiền. Dù trải qua 17 năm sống cùng căn bệnh nan y ngày đêm giày vò, bòn rút hết mọi tâm lực, cày xéo trên cơ thể mỏng manh, người phụ nữ ấy vẫn cứng cỏi, chiến đấu đến cùng với tử thần để kéo dài cuộc sống vì chồng con, đồng đội, vì bè bạn và sự nghiệp làm báo.

5j0a0454.jpg
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân của cố nhà báo Minh Hiền đến tham gia buổi ra mắt sách

Quyết liệt sống có độ dày hơn 550 trang, được chia làm 4 phần:

Phần 1: “Kể chuyện những năm tháng đã qua” do ông Nguyễn Hồ - chồng bà Minh Hiền chấp bút. Phần này ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời của bà Minh Hiền từ tư liệu cũ và những điều ông biết, trong đó có những trang nhật ký và thư từ của bà.

Cuộc đời bà Minh Hiền gắn bó với báo chí cách mạng từ rất sớm. Từ tuổi 13, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến, làm việc ở báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà Minh Hiền có mặt từ số báo đầu tiên ngày 20/12/1964 đến số báo cuối cùng vào tháng 7/1976, thời điểm báo Giải Phóng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, sau một thời gian học văn hóa và làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, bà Minh Hiền trở lại với sự nghiệp báo chí cho đến cuối đời.

Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng: "Cuộc đời bà Minh Hiền sinh ra để làm báo, và bà đã tìm đủ mọi cách, vượt qua mọi hoàn cảnh để có thể được sống với nghề báo. Hình ảnh bà Minh Hiền gợi cho chúng ta về một thời làm báo cách mạng: Khó khăn, gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết và quyết tâm".

Trong suốt thời gian làm nghề, bà đã kinh qua rất nhiều vai trò tại các tờ báo lớn: Báo Giải Phóng; Báo Sài Gòn Giải Phóng; Báo Đại Đoàn Kết; Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM; Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn (Nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn); và là thành viên Hội đồng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị và Tạp chí Người Đô Thị trong những năm tháng cuối đời.

Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: "Chị Minh Hiền là tấm gương điển hình của một nhà báo với tình yêu nghề bất diệt. Chị đến với nghề báo bằng tất cả đam mê chứ không phải vì đã kinh qua bất kỳ trường lớp đào tạo chuyên sâu nào, và chị đã chứng minh được thực lực của mình".

5j0a0572.jpg
Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ những nhận định về cuốn sách

Phần 2 của cuốn sách với tựa đề: "Hãy nắm tay em đi" là nhật ký của ông Nguyễn Hồ từ năm 2013-2016, ghi lại cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Minh Hiền với bệnh tật, cũng như những kỷ niệm cuối với chồng con và rất nhiều bạn bè, người thân.

Đây có thể nói là phần xúc động nhất, cô đọng mối duyên chồng vợ 45 năm của ông bà, chưa bao giờ sẵn sàng cho ly biệt. “Nắm tay, nắm tay em/ Tay tìm tay luyến tiếc/ Hơi ấm bàn tay mềm/ Không đành cho ly biệt” (trích bài thơ ông Nguyễn Hồ viết cho vợ trong sách).

5j0a0523.jpg
Ông Nguyễn Hồ (chồng cố nhà báo Minh Hiền) chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình chấp bút

Phần 3: “Trời kêu nhưng tôi không dạ và 20 câu chuyện khác” là những bài viết, bài phỏng vấn của nhà báo Minh Hiền về chân dung nhiều nhân vật để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực: Phó thủ tướng Phan Văn Khải, Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nhà văn Trang Thế Hy, doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, doanh nhân Lý Huy Sáng... Những bài báo này được chồng bà lưu giữ và chọn lọc, truyền tải vào từng trang sách.

Đặc biệt, có một bài bà tự viết về chính mình: “Trời kêu, nhưng tôi không dạ!". Bài viết gây ấn tượng mạnh bởi miêu tả những gì nhà báo Minh Hiền đã trải qua trong quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Bài viết này đã được đưa vào cuốn “Ung thư xin đừng tuyệt vọng” của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, xuất bản vào năm 2009. Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo cho hay, vào thời đó, người bệnh ung thư có xu hướng giấu kín tình trạng của mình vì nhiều lý do; việc bà Minh Hiền chịu công khai căn bệnh là ví dụ điển hình cho một bệnh nhân lạc quan, tích cực, có tác động rất lớn đến những bệnh nhân khác.

5j0a0599.jpg
Nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ cảm nghĩ về tập sách

Phần cuối cùng của tập sách mang tựa "Nhớ một người, thương một nghề” tập hợp bài viết của nhiều đồng nghiệp, thân hữu viết về bà Minh Hiền, như nhà báo Phương Hà, nhà báo Trần Kim Hoa, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhà báo Trần Trọng Thức...

Từng bài viết đều thể hiện sự ngưỡng mộ, trân trọng một nhà báo với vẻ ngoài hiền dịu đúng với tên của bà, nhưng dấn thân, quyết liệt trong mọi công việc.

5j0a0556.jpg
Nhà báo Thế Thanh chia sẻ về những kỷ niệm với người bạn thân, người đồng nghiệp - cố nhà báo Minh Hiền

"Quyết liệt sống" không chỉ là câu chuyện cá nhân của một người vợ, người mẹ, một người làm báo mà còn là một lát cắt câu chuyện của lịch sử làng báo miền Nam, làng báo Sài Gòn - TP.HCM trong hơn nửa thế kỷ phát triển. Không chỉ vậy, tập sách còn có thể được coi như một tài liệu tham khảo cho nghề báo với những bài học, kinh nghiệm, kỹ năng làm báo, tình yêu nghề, đạo đức của người làm báo thông qua câu chuyện đời, chuyện nghề của nữ nhà báo Minh Hiền.

"Quyết liệt sống" phản ánh nhiều thông tin lịch sử gắn với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn

Thông qua cuộc đời và sự nghiệp của bà Minh Hiền, sách "Quyết liệt sống" còn phản ánh nhiều thông tin về lịch sử báo chí miền Nam, đặc biệt nhiều tư liệu về Báo Doanh nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn).

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp Chí Doanh Nhân Sài Gòn cho rằng, cố Tổng biên tập Minh Hiền là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của một tờ báo uy tín của giới doanh nhân.

Nhờ sự nỗ lực dẫn dắt của bà Minh Hiền, ngày 18/4/2004, Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép khai sinh tuần báo Doanh Nhân Sài GònDoanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần. Khi đó bà Minh Hiền đã 52 tuổi, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ngoài tờ Doanh Nhân Sài Gòn ra ngày thứ tư và Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần, bà còn cho ra đời ấn phẩm Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng, phản ánh đậm nét hình ảnh, chân dung doanh nhân thành đạt.

Đặc biệt, Báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần có những cuộc trò chuyện “Ăn trưa với doanh nhân” thu hút rất nhiều độc giả, họ đọc để biết được tâm trạng doanh nhân, cũng như học hỏi những kỹ năng, tư duy chiến lược, chuyện làm giàu chính đáng. Nhiều chuyên mục có cây bút chuyên gia kết hợp với ký giả, kết hợp nghị luận và chuyên sâu, tạo giá trị cho bài viết... Ngay cả khi bà Minh Hiền phải trải qua đại phẫu vào năm 2005 thì công việc vẫn không đình trệ.

5j0a0499.jpg
Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ tại buổi ra mắt sách

"Phong cách làm việc của cố Tổng biên tập Minh Hiền vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho Ban biên tập, viên chức, người lao động của Tạp chí hôm nay, đặc biệt là với thế hệ phóng viên và biên tập viên trẻ", ông Trần Hoàng chia sẻ.

Ông Trần Hoàng cùng các khách mời cũng nhắc lại vai trò to lớn của bà Minh Hiền, trên cương vị Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn khi ấy, đã đề xuất lấy ngày 13/10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Đề xuất này được cố Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt, ghi nhận vai trò lịch sử của giới doanh nhân.

Từ đó đến nay, các sự kiện vinh danh “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” vẫn được tổ chức vào dịp 13/10 hằng năm, trở thành tâm điểm ấn tượng với giới doanh nhân nói riêng và xã hội nói chung. Công lao to lớn của cố Tổng biên tập Minh Hiền vẫn luôn được nhắc nhớ và tri ân.

Sách "Quyết liệt sống" ra mắt đúng dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Theo các tác giả, cuốn sách có ý tưởng thực hiện từ năm 2005, nhưng vì nhiều lý do mà đến năm 2016, khi cố nhà báo Minh Hiền mất mới có thể thực hiện trở lại.

Khánh Hưng - Ảnh: Quỳnh Lâm