Thuế của EU không thể ngăn xe điện Trung Quốc tiến vào thị trường?
Thuế quan mới của liên minh châu Âu áp lên xe điện Trung Quốc, được đánh giá có thể làm chậm quá trình chiếm lĩnh thị trường, nhưng nhiều công ty như BYD khẳng định, họ vẫn tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp bản địa.
Ủy ban châu Âu ngày 12/6 thông báo rằng, họ sẽ áp dụng thuế quan tạm thời với xe điện Trung Quốc từ tháng 7 tới, do đất nước tỷ dân trợ cấp không công bằng. Biện pháp mạnh mẽ hơn nếu có, sẽ được xem xét vào cuối năm.
Xe của các hãng như SAIC Motor thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, sẽ chịu mức thuế là 38,1%. Xe của BYD mà tỷ phú Warren Buffett có cổ phần, sẽ chịu mức thuế 17,4%. Xe của Geely Automobile Holdings sẽ chịu mức thuế 20%. Trước đó thuế quan của EU với xe điện Trung Quốc là 10%.
Ngay sau tin tức trên, cổ phiếu của BYD tại Hồng Kông đã tăng gần 9% vào ngày 13/6. Một chuyên gia trong ngành cho biết, lợi thế về chi phí của BYD đủ cao, để họ có lãi ngay cả khi chịu mức thuế 35%.
Chuyên gia này nói thêm, BYD nhận mức thuế thấp hơn, do họ là công ty tư nhân và được Berkshire Hathaway đầu tư. BYD ý thức rõ về mục tiêu xây dựng thương hiệu tại EU, nên sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý địa phương.
SAIC - công ty không hợp tác với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU, đã nhận được 1,65 tỷ USD tiền trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc trong ba năm rồi.
SAIC là tập đoàn xuất khẩu ô tô hàng đầu Trung Quốc trong tám năm qua, bán hơn 250.000 xe tại châu Âu vào năm 2023. Trong tuyên bố hôm 13/6, công ty cho biết doanh số bán hàng của mình nhờ đổi mới công nghệ, chứ không phải trợ cấp của chính phủ.
Mức thuế mới của châu Âu thấp hơn nhiều so với con số 100% mà Hoa Kỳ vừa công bố, nhưng chúng dự kiến sẽ có tác động đáng kể hơn.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này xuất khẩu 482.000 xe điện sang EU vào năm 2023, chiếm 45% tổng lượng xe điện xuất khẩu. Trong khi đó, lượng xe xuất khẩu sang Hoa Kỳ là không đáng kể.
Theo 1 công ty phân tích thị trường EU, thuế mới gây áp lực lên xe Trung Quốc, nhưng trước mắt người dân châu Âu vẫn ưa chuộng các loại xe này. Hiện xe Trung Quốc bình quân có giá thấp hơn 20% so với xe nội địa. Sau khi bị áp thuế, giá sẽ tương đương, nhưng xe Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhờ thiết kế và công nghệ.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức dự báo, mức thuế 20% sẽ làm giảm 25% lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU. Con số tương đương 125.000 chiếc, với giá trị 3,8 tỷ USD. Điều này giúp EU đẩy nhanh kế hoạch nội địa hóa sản phẩm.
Đến nay, các hãng xe điện Trung Quốc vẫn thận trọng về mở rộng sản xuất tại EU, trong lúc chờ đợi chính sách thuế rõ ràng. Khi đó, nếu thuế cao, sẽ khuyến khích công ty Trung Quốc đầu tư mở nhà máy tại các nước thân thiện như Hungary.
Tháng 12/2023, BYD thông báo sẽ thành lập một nhà máy tại Hungary, trong khi vài công ty xe điện Trung Quốc khác muốn hợp tác với thương hiệu châu Âu để thâm nhập thị trường. Tháng 4/2024, Chery Automobile và Ebro-EV Motors của Tây Ban Nha đã đồng ý phát triển xe điện, thông qua một liên doanh ở Barcelona.
Tháng 5 vừa qua, hãng sản xuất ô tô châu Âu Stellantis đã thành lập liên doanh với công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Leap Motor, dự kiến bắt đầu bán xe điện tại 9 quốc gia châu Âu trong năm nay.
Sau thông báo của EU, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của mình. Các nhà phân tích đồng ý rằng, sau những lời lẽ hùng hồn như vậy, Bắc Kinh phải hành động nhưng cảm thấy nên kiềm chế.
Chuyên gia Andy Mok từ “Center for China and Globalization” ở Bắc Kinh nói: “Chắc chắn châu Âu sợ Trung Quốc trả đũa. Đức có thể là bên chịu ảnh hưởng nhất. Tôi chắc chắn sẽ có trả đũa, nhưng tương xứng không thì còn phải chờ. Trung Quốc xem vấn đề này không chỉ từ góc độ xe điện, mà còn từ mối quan hệ rộng hơn với châu Âu, thậm chí rộng hơn là trả đũa sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường địa chính trị nói chung.”