Thời sự

Đề xuất mua tin phòng chống tham những với giá tối đa là 50 triệu đồng

Nguyễn An 19/06/2024 - 11:55

Bộ Tài chính đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng với giá tối đa 50 triệu đồng/tin.

Đây là nội dung của dự thảo thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Theo đó, tại dự thảo, Bộ Tài chính cho biết, tùy thuộc vào nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương sẽ quyết định mức chi cụ thể. Tuy nhiên, mức này không được vượt quá 50 triệu đồng cho một tin và việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương. Kinh phí được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (phân bổ qua Ban Nội chính Trung ương). Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm trực tiếp chi tiêu và bảo đảm các điều kiện, tài sản chuyên dùng phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Riêng ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Kinh phí được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy (phân bổ qua Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy). Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm trực tiếp chi tiêu và bảo đảm các điều kiện, tài sản chuyên dùng phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

888899999999999-1718678049097848665685.jpg
Đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin

Bên cạnh đó, ngân sách cũng chi cho khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm hoặc đột xuất.

Mức chi tiền thưởng áp dụng theo quy định tại nghị định số 98 năm 2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng quy định, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp sẽ chi thù lao đối với các trường hợp được biệt phái từ nơi khác đến Ban Nội chính Trung ương hoặc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy để thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có).

Trước đó, một số địa phương đề xuất kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng. Điển hình như TP.HCM đã ban hành Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố. Theo đó, TP.HCM đưa ra mức tối đa dùng vào việc “mua tin” là 10 triệu đồng/tin.

Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số.

Thông tin phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực phải đảm bảo tính xác thực, trọn vẹn, thể hiện được nội dung, tình tiết sự việc, hiện tượng đã xảy ra và tồn tại dưới dạng dữ liệu truyền thống hoặc dữ liệu điện tử, có nội dung được thể hiện theo ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng.

Được biết, người cung cấp thông tin sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nguyễn An