Quốc tế

Doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan

Văn Phúc 18/06/2024 17:36

Các nhà phân phối hải sản Nhật Bản đang chạy đua để thâm nhập vào Thái Lan, nơi dần trở thành thị trường quan trọng, từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ đất nước mặt trời mọc.

Công ty Sprout Investment có trụ sở tại Yokohama, đã tổ chức sự kiện nếm thử tại một quán rượu ở Bangkok vào cuối tháng 4, nhằm giới thiệu hải sản tươi sống từ Nhật Bản. Các chủ nhà hàng, cả người Thái và người Nhật, đã thưởng thức món sashimi làm từ cá ngừ, cá thu và nhiều nguyên liệu khác.

thuy-san-xuat-khau-cua-nhat-anh-wander-eat-write.jpeg
Nhật Bản là quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới - Ảnh: WEW

Một người Thái tham dự nói: “Tôi rất ngạc nhiên về chất lượng của cá ngừ và cá thu. Tôi muốn phục vụ chúng được cho khách tại cửa hàng của mình.”

Sprout điều hành hơn 20 quán rượu izakaya tại Nhật Bản, mới mở một địa điểm ở Bangkok. Công ty có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bán hải sản tại Thái Lan, sớm nhất là vào tháng 8 tới.

Ông Naoki Ito, giám đốc Sprout Thái Lan nói: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn. Chúng tôi muốn mua hải sản đánh bắt ngoài khơi bán đảo Boso của tỉnh Chiba, để cung cấp cho các nhà hàng tại Thái Lan. Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp cá tươi, chất lượng cao với mức giá trung bình.”

Nhà phân phối hải sản Uoriki có trụ sở tại Tokyo, thì đặt mục tiêu mở tới 100 cửa hàng tại Thái Lan trong vòng năm năm tới, theo kế hoạch được vạch ra vào tháng 10/2023.

Chủ tịch Masayuki Yamada của Uoriki nói: “Thái Lan là đại dương xanh chưa khai thác về thủy hải sản.”

Uoriki đã thành lập một liên doanh với tập đoàn Charoen Pokphand Group của Thái Lan vào tháng 4/2023. Liên doanh này đã mở các cửa hàng đầu tiên vào tháng 10/2023.

Uoriki muốn thành lập thêm cửa hàng, chủ yếu ở siêu thị Lotus và hệ thống bán đồ ăn nhanh Makro. Công ty đang hăng hái mở rộng dấu ấn của mình đến các khu vực như Chiang Mai, đang cân nhắc hợp tác với Central Group cùng nhiều tập đoàn Thái Lan khác.

Jalux - công ty thương mại được Japan Airlines và Sojitz hỗ trợ, đã mở một chợ bán buôn hải sản tươi sống của Nhật Bản tại trung tâm Bangkok. Theo cửa hàng này, thị trường Thái Lan có sự gia tăng số khách liên tục, từ khi Covid-19 kết thúc.

Thực phẩm Nhật Bản từng được coi là xa xỉ ở Thái Lan, nhưng đã phổ biến hơn khi thu nhập của người dân nước này tăng. Nhu cầu ngày càng cao, đã thúc đẩy các công ty mở kho lạnh tại Thái Lan. Đây là nhu cầu thiết yếu để phân phối hải sản Nhật Bản với mức giá phải chăng.

Thị trường Thái Lan phát triển được cho là có lợi với Nhật Bản. Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của thủy sản Nhật Bản, đã cấm nhập khẩu sau khi nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã qua xử lý được xả ra biển.

Tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Seoul ngày 26/5, Nhật Bản đã thất bại trong việc vận động Trung Quốc hủy bỏ lệnh cấm.

Ông Junichiro Kuroda, chủ tịch văn phòng Bangkok của JETRO nói: “Điều quan trọng là cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Chúng tôi đang nỗ lực để làm điều đó.”

Ông Tetsushi Sakamoto, Bộ trưởng Nông nghiệp - Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, đã đến thăm Bangkok vào đầu tháng 5 vừa qua, để quảng bá sò điệp và nhiều loại hải sản khác.

Thái Lan là nơi sinh sống của khoảng 70.000 công dân Nhật Bản, cũng như có nhiều nhà hàng và quán rượu Nhật Bản. Họ được coi là đầu mối quan trọng để thủy sản Nhật Bản tiến vào quốc gia Đông Nam Á.

Văn Phúc