Trò chuyện doanh nhân

Ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch Tập đoàn Rita Võ và con trai Võ Tiến Đạt: “Sống chính trực thì kinh doanh cũng thẳng ngay”

Lữ Ý Nhi 16/06/2024 - 13:49

Có mặt tại Lễ khai trương Trung tâm Vật liệu Xây dựng và Nội thất cao cấp Rita Võ Home Pro mới đây, khi nghe Chủ tịch Tập đoàn Rita Võ - Võ Mậu Quốc Triển đứng trên sân khấu cám ơn con trai - người đang tiếp nối sự nghiệp của ông trong niềm tự hào, hãnh diện, tôi vừa vui và xúc động. Bởi, những gì ông chia sẻ với tôi cách đây 10 năm, giờ không còn là câu chấm hỏi.

Năm 2014, trong lần trò chuyện đầu tiên với Chủ tịch Rita Võ, tôi hỏi ông:

* Ông đã chuẩn bị việc kế nghiệp sau này thế nào rồi?, ông nói:

- Nhiều lúc trò chuyện, các con tôi cũng hỏi: “Sau này ai sẽ thay ba?”. Tôi nói: “Ai cũng có thể thay ba, nhưng người đó phải hội đủ các điều kiện: Có sức khỏe, trí tuệ, năng lực và đạo đức”. Nếu các con tôi không hội tụ đủ các điều kiện trên thì chưa chắc sẽ là người kế nghiệp.

Cuộc trò chuyện lúc đó vẫn chỉ là câu chấm hỏi và suốt 10 năm qua, dù nhiều lần chuyện trò với ông và dõi theo hành trình phát triển của Rita Võ, nhưng tôi vẫn chưa được nghe ông tiết lộ về người kế nghiệp Tập đoàn này.

Cũng buổi trò chuyện năm đó, ông nói: “Tôi vẫn đang rèn luyện và định hướng cho các con, không đủ điều kiện kế nghiệp thì cũng phải là một công dân tốt. Hiện ba đứa con tôi đều trong độ tuổi có thể ra nước ngoài du học nhưng tôi chưa muốn cho chúng đi, bởi tôi muốn chuẩn bị hành trang cho con kỹ hơn để chúng hiểu sâu sắc về cội rễ, lịch sử dân tộc và văn hóa Việt trước khi tiếp cận một nền văn hóa mới, cách sống mới”.

a3.jpg

Vậy nên, khi giới thiệu Tiến Đạt - người con trai kế nghiệp, ông nói: “Con tôi đã tốt nghiệp đại học từ Mỹ và về Việt Nam đúng lúc Covid-19. Trước khi đi du học, con tôi đã được học đầy đủ nền tảng vững chắc về tiếng Việt, học lịch sử Việt Nam, truyền thống cách mạng, bản sắc con người, văn hóa Việt Nam, cội nguồn tổ tiên ông bà rồi mới đi học nước ngoài và hòa nhập với các giá trị văn hóa khác từ các nước”.

Thì ra, những gì ông nói với tôi về cách giáo dục con cái cách đây 10 năm không chỉ là câu nói suông hay lý thuyết mà là quan điểm rất rõ ràng, có nghĩ, có hành.

Võ Tiến Đạt - người con trai kế nghiệp Rita Võ xác nhận với tôi: “Ba Triển là người rất kiên quyết và kỷ luật. Vào thời điểm ba anh em tôi còn học phổ thông, trong khi rất nhiều bạn bè đồng lứa đã được gia đình cho ra nước ngoài học nhưng ba nhất định bắt anh em tôi phải học hết phổ thông, phải hiểu sâu sắc văn hóa Việt, giá trị gia đình và phong tục quê hương rồi mới cho đi du học”.

* Biết cha khe khắt trong việc chọn tiêu chuẩn “kế nghiệp”, trong khi đó, nhiều bạn học lại chọn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp hoặc thích chọn con đường khởi nghiệp riêng, tại sao bạn lại muốn tiếp nối sự nghiệp kinh doanh của gia đình?

- Võ Tiến Đạt: Năm cuối đại học, tôi phải trở về nhà vì Covid-19 và đã tốt nghiệp đại học trực tuyến. Trong thời gian Covid-19 ngồi ở nhà, tôi suy nghĩ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Một tối, sau khi ăn cơm, tôi ngồi đối diện ba trong phòng khách, tôi hỏi: “Ba, giờ làm gì đây?”. Ba nói: “Muốn làm gì thì làm nhưng đừng dính dáng đến công việc của ba. Những gì ba và anh em, tập đoàn đang làm đừng dính dáng đến”.

Thấy sau dịch bệnh, ai cũng chỉ mong sức khỏe và muốn có sức khỏe thì việc tập thể dục thể thao là cần thiết. Tôi nảy ra ý tưởng thực hiện một dự án trung tâm thể hình cho công ty và đó cũng là cách để tôi bắt đầu “được” làm việc cho công ty.

* Lúc đó, ông có ủng hộ và có tạo áp lực cho Tiến Đạt không, thưa Chủ tịch Rita Võ?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: “Tôi chưa bao giờ gây áp lực cho các con của mình về việc lựa chọn một công việc nào đó hay bất cứ điều gì khác. Có chăng, chỉ là áp lực bắt các con bằng mọi giá phải học hành đến nơi đến chốn, phải thành người, nhất là phải hiểu nguồn cội tổ tiên, đất nước và yêu quê hương nơi mình sinh ra. Tôi lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh, tuổi thơ nhọc nhằn kham khổ nhưng tôi luôn yêu quê hương, yêu đất nước và tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha và sau này được đi nhiều nước, tôi càng thấy giá trị văn hóa dân tộc Việt không ở nơi đâu có. Vì thế, trước khi cho các con đi du học, tôi chỉ dạy các con về văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt Nam, niềm tự hào dân tộc Việt Nam, lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, biết ơn các bậc tiền bối đã hy sinh vì sự độc lập của đất nước để các con mới có ngày hôm nay. Còn việc chọn hành trang vào đời như thế nào thì các con tôi tự quyết định.

Khi còn học năm cuối ở Mỹ, trước dịch Covid-19, Đạt đã nhắn tin cho các em, nói rằng, sẽ về giúp ba vì thấy ba vất vả quá. Tôi cho rằng quyết định này của Đạt còn xuất phát từ hai việc. Một là do tôi đã giáo dục con biết yêu quê hương và tự hào là người Việt Nam. Hai là Rita Võ đã được tôi xây dựng với niềm tin và tình yêu rất lớn trong lòng người Việt và bạn bè quốc tế. Từ những nền tảng này nên con tôi học xong cũng muốn trở về đóng góp cho Tập đoàn, đóng góp cho xã hội và giúp tôi tiếp nối phát triển sự nghiệp.

* Còn Đạt, việc vượt qua sự thành công của Rita Võ và “cái bóng” của ba cũng là áp lực rất lớn cho bạn, có phải vậy không?

- Võ Tiến Đạt: Có và không. Tôi rất may mắn vì có nền tảng ban đầu tốt hơn nhiều so với thời của ba và tôi không nghĩ việc sao chép những gì ba tôi đã làm sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt hơn những gì ba tôi đã đạt được. Vì nền tảng của chúng tôi rất khác nhau nên tôi tin rằng, mục tiêu và định nghĩa về thành công của chúng tôi cũng sẽ khác một chút. Tôi luôn quan tâm đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Với tôi, niềm vui là luôn có những thách thức. Luôn được tìm kiếm, học tập và trải nghiệm những kiến thức mới. Tôi thích học hỏi từ mọi người trong công ty và làm những điều có ý nghĩa cho những người xung quanh và xã hội. Vì thế áp lực lớn nhất của tôi là làm sao để tạo ra được nhiều điều ý nghĩa hơn, đóng góp cho xã hội hơn là những gì ba tôi đã làm.

5j0a8466_khach-chon.jpg

* Bạn đã học được gì từ con đường kinh doanh của ba? Điều bạn khâm phục về ba là gì?

- Võ Tiến Đạt: Về kinh doanh, điều tôi học được nhiều nhất từ ba là sự chính trực và cam kết của ông với khách hàng và đối tác. Tôi đã từng thấy, rất nhiều doanh nhân dễ dàng thực hiện những bước đi tắt để thu lợi cho cá nhân. Còn cá nhân, ba tôi là một người đàn ông rất kiên cường và chính tính cách đó đã biến ông thành con người như ngày hôm nay.

* Còn Chủ tịch, ông đã thật sự tin những gì Đạt làm và dám trao quyền chưa?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Con đường kinh doanh và sự nghiệp còn dài, Đạt mới 26 tuổi. Tất cả thử thách còn dài lắm và ở phía trước. Tuổi trẻ là phải dám làm và dám chấp nhận thử thách. Tôi cho con các quyền quyết định lựa chọn và quyền được thử thách. Về kinh doanh, con tôi biết kế thừa quá khứ và phát triển tương lai theo tư duy mới, hiện đại hơn, tiến bộ hơn.

Riêng với đức tính của Đạt, tôi tin chắc rằng, con tôi là người tử tế, sống đàng hoàng, ngay thẳng, chính trực và tôi tin, sống chính trực thì kinh doanh cũng thẳng ngay.

* Đạt, bạn có nghĩ ba thiên vị, ưu ái khi nhận xét về bạn không?

- Võ Tiến Đạt: Đức tính, nhân cách mà tôi đang có cũng chính là đức tính và nhân cách mà tôi được kế thừa từ ba. Ba dạy anh em tôi: “Con người sống ngay thẳng, chính trực thì việc kinh doanh cũng sẽ chính trực, thẳng ngay”. Và tôi xem đó là câu răn dạy bản thân để luôn sống tử tế và làm ăn đàng hoàng.

Tôi nghĩ mình còn thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tố chất kinh doanh. Tôi cũng chưa đủ giỏi vì trên thế giới có quá nhiều ý tưởng để khám phá. Tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ cố gắng vượt qua “cái bóng” của cha tôi. Chúng tôi là hai con người rất khác nhau và tôi không bao giờ có thể trở thành một người như ba tôi và ngược lại. Nhưng tôi nghĩ, tôi cũng sẽ thành công nếu tôi có không ngừng cải thiện bản thân.

Các thế hệ sau của công ty gia đình tại các quốc gia, họ luôn lấy làm rất tự hào về các thế hệ đi trước, luôn lấy triết lý kinh doanh của người sáng lập ra tập đoàn để kế thừa, phát triển bền vững hơn.

Ông Võ Mậu Quốc Triển - Chủ tịch Tập đoàn Rita Võ

* Ở tuổi 55, ông nói còn nhiều năng lượng, kể cả khi kinh tế còn khó khăn. Ông còn dự án nào đang làm và tham vọng của ông cho các dự án đó là gì?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Tôi nhớ không lầm thì người sáng lập KFC trắng tay từ khi ông 65 tuổi và ông cũng bắt đầu sự nghiệp từ đây. Vậy tôi 55 tuổi, còn ngon lành chán (cười). Đây mới là độ tuổi chín mùi của đời người. Sau 25 năm hợp tác với nhiều Tập đoàn trên thế giới có bề dày trên 100 năm như Kohler, Miele và đã học được rất nhiều điều bổ ích từ các Tập đoàn này, tôi xác định, tất cả ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn Rita Võ đều quan trọng vì nó đều phục vụ cho nhu cầu cần thiết của con người.

Sau dịch Covid-19, các lĩnh vực công ty kinh doanh như thiết bị nhà tắm, nội thất, thời trang hàng hiệu, cà phê…. đều chững lại ít nhiều nhưng tôi vẫn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất. Tôi vẫn theo triết lý: “Làm chậm cũng được nhưng an toàn, chỉn chu, hoàn hảo. Phải làm tốt nhất từ việc nhỏ nhất”. Đến tháng 6/2024, Tập đoàn có 32 trung tâm bán hàng trên cả nước, kế hoạch sẽ mở rộng trên 100 trung tâm bán hàng.

Theo tôi, kinh tế có lúc này, lúc nọ. Mình phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, đặc biệt là dám hy sinh lợi ích của gia đình (tập đoàn tư nhân) để lo cho nhân viên, đảm bảo cuộc sống người lao động. Ở Rita Võ, ngay cả khi dịch Covid-19 khó khăn nhất, tôi cũng chưa giảm lương hay cho nghỉ bất cứ nhân viên nào và còn đóng góp một phần nhỏ cho công tác chống dịch ...

Tập đoàn cũng vừa ra mắt dòng sản phẩm thiết bị nhà bếp cao cấp mang thương hiệu LUX HOVO và mở đầu là bộ đôi máy giặt - máy sấy sản xuất 100% tại Ý của Việt Nam nhưng hợp tác, nghiên cứu, sản xuất với các tập đoàn lớn, hùng mạnh từ châu Âu, sản xuất từ các nhà máy tại Ý để tạo ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng từ giá cả hợp lý, tiện nghi, bền bỉ... Đây là ngành sản xuất cốt lõi quan trọng của tập đoàn trong thời gian tới và cũng là công rất lớn của Đạt.

* Mong ước của bạn và ba là có một thương hiệu Việt ra thế giới. Bạn đã từng bước thực hiện giấc mơ như thế nào?

- Võ Tiến Đạt: Điều khiến ba và tôi muốn thành lập thương hiệu của riêng mình xuất phát từ việc chúng tôi muốn có một thương hiệu thiết bị nhà bếp cao cấp của Việt Nam và chúng tôi có thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Quá trình phân phối sản phẩm cho các thương hiệu lớn, tôi thấy đôi khi rất khó thuyết phục một thương hiệu thay đổi một số thứ hoặc cải thiện những gì họ đã có. Mục tiêu của tôi là tạo ra một thương hiệu thú vị, có tính cách và ý nghĩa. Hầu hết các sản phẩm ngày nay đều trở nên quá phức tạp và khó sử dụng. Tôi tin rằng, bắt đầu từ trải nghiệm của khách hàng là cách tốt nhất để tạo ra sản phẩm. Tôi muốn tạo ra những sản phẩm đẹp, hiệu quả và dễ vận hành.

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Nỗ lực của chúng tôi là có thể tạo ra một thương hiệu Việt được thế giới công nhận, tin tưởng và tin dùng.

* Trên hành trình đó, bạn đã phải đối mặt với khó khăn, thách thức gì?

- Võ Tiến Đạt: Thách thức lớn nhất đối với mỗi thương hiệu là kiểm soát chất lượng. Đó là lý do tại sao chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để phát triển và giới thiệu ra thị trường các dòng sản phẩm mới. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, mọi sản phẩm đều được kiểm tra kỹ lưỡng và các kỹ thuật viên của chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ hậu mãi tốt.

rita-vo.jpg

* Thưa Chủ tịch, ông có rất nhiều người bạn nước ngoài, đối tác. Làm thế nào ông giữ được các mối quan hệ bền lâu như vậy. Ông học được gì từ các doanh nhân nước ngoài, nhất là Kohler - một thương hiệu có truyền thống cha truyền con nối qua bốn đời?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Trước đây và bây giờ cũng vậy, tôi luôn nói quan hệ đối tác là quan hệ vợ chồng. Phải biết chia sẻ, tin tưởng, hy sinh cho nhau thì mới bền vững. Do vậy tôi rất rõ ràng với tất cả đối tác về quan điểm của tôi. Họ hiểu và hợp tác với tôi trong sự tin tưởng và hạnh phúc. Ví dụ như Kohler và Rita Võ hợp tác được 18 năm bền vững, kết hợp sức mạnh của thương hiệu toàn cầu và thương hiệu địa phương uy tín (Global to Local) một cách hài hòa cùng xây dựng tình yêu và sự trung thành (Love & Trust) với người Việt Nam. Chủ tịch Kohler là tỷ phú, là thế hệ kế thừa thứ 4 của Kohler, luôn xem tôi như người anh em trong gia đình. Chúng tôi có thể uống rượu tới sáng mỗi khi gặp nhau. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều thông tin, chiến lược quan trọng, không che đậy. Có lẽ nhờ tính cách của tôi rõ ràng ngay từ đầu nên khi bắt tay hợp tác các đối tác cũng không khó khăn gì.

* Còn Đạt. Bạn có nhiều bạn bè không? Bạn quan niệm thế nào về tình bạn, đối tác, người đồng hành trong kinh doanh?

- Võ Tiến Đạt: Tôi không có quá nhiều bạn bè. Tôi thích chơi với những nhóm bạn nhỏ và với những người tôi có thể tin tưởng được hơn việc có một nhóm bạn lớn.

Khi nói đến mối quan hệ kinh doanh và đối tác, điều đầu tiên tôi nhìn vào đó là thái độ tiếp cận vấn đề của họ. Liệu đối tác của chúng tôi có thực tế và lắng nghe những lời đóng góp mang tính chất xây dựng cũng như sẵn sàng thực hiện những thay đổi để tốt hơn hay không.

a2.jpg

* Chính phủ hiện đang đề cao vai trò đóng góp của công ty gia đình, ông nghĩ thế nào về vai trò của công ty gia đình trong việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho đất nước?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Tôi cho rằng công ty đại chúng hay gia đình thì cũng cùng một mục đích là kinh doanh giống nhau. Theo kinh nghiệm làm việc với top 25 tập đoàn gia đình lâu đời nhất trên thế giới như Kohler (thành lập năm 1873) và Miele (thành lập năm 1899) thì họ luôn luôn gìn giữ văn hóa của gia đình xuyên suốt qua các thế hệ. Các thế hệ sau của công ty gia đình tại các quốc gia, họ luôn lấy làm rất tự hào về các thế hệ đi trước, luôn lấy triết lý kinh doanh của người sáng lập ra tập đoàn để kế thừa, phát triển bền vững hơn. Hình ảnh của tập đoàn, thương hiệu của tập đoàn lớn mạnh thì không còn là tài sản của gia đình đó nữa mà đó là tài sản của đất nước... Kohler là của Mỹ, Miele là của Đức chứ không phải của gia đình Kohler hay Miele...

* Sinh ra trong một gia đình đủ đầy, bạn có phải tự mình “vượt sướng” không. Thời của ba bạn là vượt khổ, còn bạn là vượt sướng, có phải vậy không?

- Ba tôi đã tạo cho tôi một nền tảng tốt. Đó là điều tôi luôn biết ơn. Mỗi thời, mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ riêng. Tôi không nghĩ thời của chúng tôi đỡ khổ hơn sẽ phải “vượt sướng” (cười). Điều mà tôi phải vượt qua đó là vượt qua chính mình. Tôi thích làm những việc thú vị, thử thách và tạo ra các thương hiệu và sản phẩm hiệu quả và có ích với người dùng. Công việc chính của tôi lúc này là hoàn thiện việc phát triển toàn bộ dòng sản phẩm cho LUX HOVO.

* Bạn có sợ thất bại, rủi ro không?

- Võ Tiến Đạt: Tôi nghĩ trải qua thất bại là một phần của sự trưởng thành. Tôi có thể chấp nhận thất bại nhưng dừng lại sau thất bại thì không.

* Trong nhiều điều quan trọng ông thường dạy con, ông quan tâm điều gì nhất?

- Ông Võ Mậu Quốc Triển: Tôi dạy con làm người tử tế trước khi làm giàu. Nếu không tử tế thì không nên vào Tập đoàn làm việc. Sống phải biết trên, biết dưới và phải có lòng biết ơn.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông và con trai Võ Tiến Đạt. Xin chúc hai cha con ông và Rita Võ tiếp tục phát triển.

rita-vo-2.jpg

1. Kinh doanh là hành trình dài và phải xây cả đời để bảo toàn uy tín thương hiệu. Vì vậy, chọn đối tác đi đường dài với mình cũng phải cân nhắc. Tôi không bao giờ chấp nhận đồng hành với một đối tác làm ăn không có uy tín, sản phẩm chỉ ở mức trên trung bình. Bởi đã làm người bán hàng, phân phối sản phẩm cho thương hiệu nào đó thì sản phẩm của họ chính là “đứa con” của mình, đôi khi người dùng không biết ông chủ thương hiệu đó là ai nhưng khi sản phẩm “có lỗi”, họ sẽ tìm đến nhà phân phối.

2. Mặc dù được Chính phủ quan tâm, động viên nhưng thực tế vẫn có nhiều hòn đá nhỏ là những cá nhân và bộ phận cấp dưới cản đường. Ngày hôm nay, mình vừa nhận giải thưởng, vừa được tôn vinh đóng góp cho xã hội, được trình bày kế hoạch kinh doanh với Thủ tướng, nhưng khi bước ra ngoài để thực hiện kế hoạch thì trên đường lại bị vô số người rải đinh, khiến tôi nhụt chí.

3. Giá trị lớn nhất của doanh nhân là mang lại giá trị thương hiệu quốc gia, tạo ra công ăn việc làm, nộp ngân sách cho Nhà nước và làm từ thiện. Nhưng từ thiện là cho đi, là trách nhiệm của người làm kinh doanh, cho nhỏ cũng được, cho lớn thì càng tốt, mà đã là “cho đi”, là trách nhiệm thì không khoe khoang, không làm từ thiện để tạo thương hiệu.

Lữ Ý Nhi