Sẵn sàng nhiều giải pháp hạn chế rủi ro khi thanh toán không tiền mặt
Đây là chia sẻ của các khách mời tham gia hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" tổ chức vào ngày 14/6, trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”.
Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công thương TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức.
"Những con số mà trước đây chưa từng mơ ước tới..."
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và không thể thiếu trong đời sống người dân; tuy nhiên, đi đôi với sự tiện lợi cũng không ít những rủi ro trong việc bảo mật thông tin, lừa đảo ngày càng gia tăng và tinh vi. Do đó, việc nâng cao bảo mật trong thanh toán và nhận diện chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.
Đến hết 2023, toàn Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.
Số liệu tổng hợp 4 tháng đầu năm 2024, thanh toán không tiền mặt đạt khoảng 4,9 tỷ giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 87 triệu tỷ đồng (tăng 57,11% về số lượng và 33,45% về giá trị).
Ngoài ra, thống kê cho thấy, 100% bệnh viện công của TP. HCM đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN đánh giá: “Tỉ lệ nộp thuế có đến 99% không dùng tiền mặt, những con số mà trước đây chưa từng mơ ước tới. Năm 2019, chúng ta có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay chúng ta có đến 9 tỷ giao dịch. Mức tăng trưởng vô cùng lớn”.
Nhiều rủi ro, thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu đồng nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho biết, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Trong năm 2023, A05 - Bộ Công an đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu. Trong đó, có hàng chục nghìn tài liệu nội bộ, 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. A05 đã phối hợp với công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm lợi dụng thanh toán không tiền mặt để lừa đảo.
Ngành ngân hàng sẵn sàng nhiều giải pháp
Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN Việt Nam - cho biết trong bối cảnh hiện nay chiến lược đối phó với tội phạm công nghệ cũng phải thay đổi. "Nếu trước đây chúng ta hay thực hiện theo cách truyền thống là phòng ngự bị động thì bây giờ phải ở thế chủ động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Chúng ta chủ động kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng, điểm yếu về an toàn thông tin; chủ động giám sát, điều tra các dấu hiệu sự cố ngay từ khi mới bắt đầu để kịp thời xử lý từ sớm các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra", ông Quang nói.
Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 4 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
Trong 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có hơn 90 lượt văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các đơn vị trong ngành, trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho toàn thể nhân viên và khách hàng của ngân hàng.
Chia sẻ thêm về những vấn đề trên, ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách Nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Ngành tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng, đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng: Kết nối, chia sẻ thông tin mã độc và thông tin giám sát an toàn thông tin mạng với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; chuẩn bị kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an ninh mạng với Trung tâm an ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an.
Bộ trưởng Tài chính đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng đến thực hiện thu - chi ngân sách Nhà nước và coi đây là những khách hàng đặc biệt.
Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đối phó với lừa đảo qua mạng, tích cực triển khai Quyết định 2345 là các giải pháp hàng đầu mà các đơn vị đã và đang thực hiện.
Bà Phạm Châu Loan - Phó Trưởng phòng phát triển kênh số và đối tác Vietcombank, cho biết, đơn vị này đang tích cực triển khai các giải pháp sinh trắc học nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch. Việc xác thực sinh trắc học khách hàng vừa đảm bảo tính chính xác, tin cậy của dữ liệu, vừa không gây cản trở cho trải nghiệm giao dịch của người dùng. Vietcombank đã đầu tư hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết phục vụ việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. Đồng thời, ngân hàng ứng dụng các công nghệ về sinh trắc học tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng trong quá trình đăng ký và xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) - cho biết, ACB đã sẵn sàng triển khai để thực hiện yêu cầu xác thực khuôn mặt trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày. Theo đó, hệ thống xác thực khuôn mặt đã được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. “Sau 3 ngày, có 30.000 khách hàng xác thực. Tôi là khách hàng đầu tiên. Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này có đảm bảo hay không, độ mượt. Nhưng thực tế, chưa đến 30 giây đã xác thực được, thuận lợi. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1/7 mọi thứ tốt hơn nhiều”, ông Phát chia sẻ.
Bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, Mastercard đã và đang đầu tư hàng tỷ đô la để đảm bảo an toàn, bảo mật cho mọi giao dịch thanh toán bằng thẻ Mastercard trên toàn cầu.
"Với thẻ vật lý, Mastercard luôn khuyến cáo người dùng bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ, không chia sẻ số thẻ với người khác. Đồng thời, công ty kết hợp với mạng lưới đối tác rộng lớn để cho ra mắt giải pháp thẻ không số liên kết với ứng dụng trên điện thoại thông minh, đảm bảo thông tin người dùng được bảo mật và cho phép chủ thẻ chủ động kiểm soát tình trạng thẻ. Với thẻ trực tuyến, Mastercard tiếp cận theo hướng mã hoá số thẻ - phương thức bảo vệ thông tin thẻ tốt nhất hiện nay do mọi thông tin đều được mã hoá trên toàn hệ thống", bà Wong nói.