Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Hội thảo đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, gợi mở những vấn đề vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn dưới góc nhìn khác nhau về chủ đề hội thảo.
Chiều 14/6, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức hội thảo khoa học: “Nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị”.
Báo cáo đề dẫn, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối cho biết, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị.
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Ban Dân vận Trung ương tại TP.HCM Vũ Anh Tuấn nhận xét, việc thực tốt dân chủ cơ sở cần gắn liền với công tác dân vận chính quyền. Cùng với đó là tinh thần, trách nhiệm, phong cách phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với cải cách hành chính, đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các văn bản, các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân.
Về vấn đề này, ông Lương Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Viên chức TPHCM cũng chia sẻ về các giải pháp để phát huy dân chủ cơ sở ở Công đoàn viên chức Thành phố. Theo đó, Công đoàn Viên chức TP.HCM luôn xác định việc thực hiện quy chế dân chủ của công đoàn có vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Theo ông Tuấn, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Công đoàn Viên chức TP.HCM đã tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công đoàn về tầm quan trọng của quy chế dân chủ cơ sở. Công đoàn tham gia xây dựng, ban hành và thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định quy chế dân chủ cơ sở; tăng cường giám sát, phản biện xã hội…
Dù vậy, Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy nhìn nhận “dân chủ cơ sở” là thuật ngữ quen thuộc nhưng khi theo dõi, soi rọi vào công việc của từng cá nhân, tổ chức gắn với chức năng nhiệm vụ thì thấy rằng cần phải quan tâm nhiều hơn để dân chủ cơ sở thực chất hơn, đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tương tự, ThS. Đặng Thị Duy Tư - Phó Trưởng Khoa nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM nhận xét, việc thực hiện dân chủ cơ sở hiện nay vẫn bất cập. Một số cá nhân, đơn vị thực hành sai dân chủ, coi dân chủ là phương tiện để đạt đến tập trung, độc đoán, độc tài và thể hiện uy quyền, lạm quyền, không muốn lắng nghe cấp dưới.
Cũng theo ThS. Đặng Thị Duy Tư, do nhận thức dân chủ sai dẫn đến thực hiện sai. Người đứng đầu chưa nêu gương dân chủ còn cán bộ, công chức chưa có kỹ năng thực hành dân chủ. Do đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ cơ sở.
ThS. Đặng Thị Duy Tư cho biết thêm, phải thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tổ chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm bàn và quyết định, tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu quyết định. Các hội nghị phải là diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của cán bộ.
Hội thảo đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, gợi mở những vấn đề vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn dưới góc nhìn khác nhau về chủ đề hội thảo. Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thành ủy TP.HCM và gửi đến các cơ quan liên quan về kết quả hội thảo cùng với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị tại TP, HCM.
PGS-TS. Nguyễn Tấn Phát nhận định Hội nghị
Chủ trì Hội thảo có các ông Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM; bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Văn Y - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; bà Hàng Thị Thu Nga - Phó Bí thư Đảng ủy khối...