Kinh doanh

Để xuất khẩu gạo ổn định, bền vững

Hồng Nga 13/06/2024 - 12:54

Bất chất những biến động của tình hình thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu ổn định và bền vững, có nhiều vấn đề doanh nghiệp (DN) phải lưu tâm.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tổng cầu sụt giảm nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023, Việt Nam đã xuất sang các nước 8,13 triệu tấn với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Ước tính kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7% về lượng; đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% về trị giá. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5% so với 5 tháng năm 2023.

gao.jpg

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh, phòng vệ thương mại cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ngày 12/6 cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng lúa gạo vẫn tồn tại hạn chế, cần khắc phục ở công đoạn sản xuất và sau sản xuất.

Cụ thể, ngành lúa gạo chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu… Bên cạnh đó, chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn còn hạn chế, thị trường gạo chưa bền vững, vẫn phụ thuộc một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia. Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng của ngành.

Theo Bộ Công Thương, trong tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhu cầu nhập khẩu gạo thời gian tới sẽ rất lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quồc gia.

Không chỉ vậy, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao. Nhiều hàng rào kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các DN đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, nhất là các khu vực, phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh... Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiều vấn đề cần sửa đổi

Chia sẻ về vấn đề quản lý ngành lúa gạo, ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thừa nhận, trong quá trình thực thi, Nghị định 107/2018/NĐ-CP bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi.

Cụ thể, thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo gây khó khăn trong công tác điều hành xuất khẩu gạo trong khi chưa có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật để áp dụng đối với hành vi vi phạm chế độ báo cáo.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của địa phương trong hậu kiểm điều kiện kinh doanh vẫn chưa rõ. Các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo còn rất hạn chế, chưa xứng tầm với vị thế xuất khẩu…

Thực tế, trong bối cảnh mới, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể, không phân biệt giữa DN báo cáo và DN không báo cáo nên quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP khó có thể coi là "chế tài" để buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo.

“Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành. Không có số liệu thống kê khiến cơ quan quản lý khó ứng phó kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, nhất là thời điểm thị trường có đợt thầu như thầu Indonesia vừa qua”, ông Toản chia sẻ.

Để có thể xuất khẩu ổn định và bền vững, theo các chuyên gia, các DN xuất khẩu cũng như sản xuất mặt hàng gạo cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

DN phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, phải định giá độc lập, không thỏa thuận với các đối thủ cạnh tranh để ấn định giá mua, giá bán một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Với các DN ở vị trí “thống lĩnh thị trường”, không ấn định giá bất hợp lý hoặc có khả năng gây thiệt hại cho khách hàng.

Ông Toản cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Box:

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với năm 2023. Với kết quả 2,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, chắc chắn xuất khẩu gạo cả năm sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.

Hồng Nga