Thời sự

Đề xuất hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp

Bạch Khởi 12/06/2024 10:00

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ) được lựa chọn áp dụng Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình.

Cũng theo Thông tư, doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp, doanh nghiệp không tự xây dựng và thiết kế biểu mẫu chứng từ cho riêng đơn vị mình thì áp dụng hệ thống biểu mẫu và hướng dẫn nội dung ghi chép chứng từ kế toán theo hướng dẫn Phụ lục 3 Thông tư này.

ke-toan-doanh-nghiep.jpg
Doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán

Các doanh nghiệp có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác thì áp dụng theo quy định về chứng từ tại các văn bản đó.

Lập và ký chứng từ kế toán: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu. Việc lập và ký chứng từ kế toán được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán.

Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.

Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do người đại diện theo pháp luật quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, an toàn tài sản. Kế toán trưởng (hoặc người được uỷ quyền) không được ký "thừa ủy quyền" của người đứng đầu doanh nghiệp. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp được yêu cầu áp dụng hệ thống tài khoản kế toán tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này để phục vụ việc ghi sổ kế toán.

Cụ thể, việc bổ sung hoặc sửa đổi các tài khoản kế toán về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh phải đảm bảo không trùng lắp đối tượng, tuân thủ các nguyên tắc kế toán theo chế độ quy định, đảm bảo nguyên tắc áp dụng nhất quán ít nhất trong một niên độ kế toán.

Qua đó, đảm bảo quá trình kiểm tra, kiểm soát, truy xuất số liệu và không được làm thay đổi số liệu của các chỉ tiêu và thông tin trên Báo cáo tài chính. Khi bổ sung hoặc sửa đổi các tài khoản kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi thực hiện. Trường hợp bổ sung tài khoản chi tiết thì phải phù hợp với kết cấu và nội dung, phương pháp hạch toán của các tài khoản tổng hợp tương ứng.

Bạch Khởi