Sống khỏe

Vì sao đột quỵ “trẻ hóa”?

Hạo Hiển 09/06/2024 - 10:17

Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 200.000 - 225.000 ca đột quỵ, trong đó người trẻ và người trung niên chiếm khoảng hơn 30% và tỷ lệ này trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm. Đây là hồi chuông cảnh báo cho xu thế đột quỵ ngày càng “trẻ hoá”.

GS-TS. Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam thông tin, tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim luôn cao hơn bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, Việt Nam ta thì ngược lại, nằm trong khu vực có tỷ lệ biến chứng đột quỵ cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao hơn cả tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

thumbnail-674-tr29b.jpg

Bệnh đột quỵ còn được xem là kẻ giết người thầm lặng, bởi nhiều người mắc bệnh vẫn khỏe mạnh, đến lúc đo chỉ số huyết áp mới biết là rất cao. Vừa mới đây, thông tin về một diễn viên, siêu mẫu ra đi ở tuổi 44 do đột quỵ ngay trong lúc ăn tiệc cùng nhóm bạn thân gây bàng hoàng tới dư luận, bởi trước đó, anh không hề có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.

ThS-BS. Phạm Đình Chương - Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho rằng, hiện nay người trẻ để tâm hơn đến việc khám sức khỏe định kỳ, tuy nhiên, các hoạt động khám tổng quát đơn thuần sẽ khó phát hiện ra dấu hiệu của đột quỵ. Muốn phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường ở mạch máu não cần làm các xét nghiệm chuyên sâu như chụp CT mạch máu não, chụp MRI mạch máu não… Vậy nên, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn.

Tận dụng “giờ vàng” trong điều trị đột quỵ

Khi đột quỵ xảy ra, can thiệp cấp cứu là việc làm vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế có đến khoảng 70% người bệnh không được cấp cứu kịp thời trong giờ vàng. Tỷ lệ người tử vong chiếm 50% và số còn lại phải chịu các di chứng nặng nề.

ThS-BS - Phạm Đình Chương cho biết, phương pháp điều trị đột quỵ não duy nhất là tái tưới máu cho não, được thực hiện bởi hai kỹ thuật là tái thông huyết khối bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Đặc biệt, cả hai phương pháp này đều thực hiện trên yếu tố tiên quyết đó là tận dụng “giờ vàng”. Thời gian vàng để tiêm thuốc tiêu sợi huyết là dưới 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng còn lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là dưới 6 giờ.

Để làm được điều này, theo GS-TS.Huỳnh Văn Minh, xây dựng mạng lưới điều trị tại chỗ, kết hợp với mở rộng mạng lưới điều trị từ xa là vô cùng cần thiết, tránh việc mất thời gian cho công tác di chuyển người bệnh. Trong năm 2006, cả nước chỉ có duy nhất một trung tâm đột quỵ tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Nhưng đến nay, Hội đột quỵ Việt Nam đã ghi nhận có hơn 110 trung tâm có khả năng cấp cứu đột quỵ.

Khuyến cáo các giải pháp phòng chống đột quỵ hiệu quả
1. Chế độ ăn uống hàng ngày cần cân đối và đa dạng, bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol cao. Sử dụng đường và muối tuân thủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
2. Tăng nồng độ kali - khoáng chất quan trọng trong việc phòng tránh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh lý tim mạch… Hấp thụ kali thông qua đường ăn uống các thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như trái cây và rau quả tự nhiên, thay vì dùng thực phẩm bổ sung. Khoa học ước tính rằng cơ thể hấp thụ khoảng 85 đến 90% kali trong chế độ ăn uống.
3. Giảm cân, duy trọng lượng hợp lý, bởi dự kiến huyết áp tâm thu sẽ giảm khoảng 1mmHg cho mỗi lần giảm một kilogram. Tích cực hoạt động thể chất, trong đó ưu tiên tập thể dục nhịp điệu, đi bộ…
4. Giảm tiêu thụ rượu bia, chất kích thích.
5. Giảm căng thẳng và stress. Tư duy tích cực và lạc quan cũng góp phần giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Hạo Hiển