Quản trị

Nhận diện “điểm chết” trong mô hình của Spotify

Khởi Vũ 06/06/2024 - 12:02

Hiếm có công ty nào triệt để “cách mạng hóa” cả một ngành công nghiệp như cách Spotify đã làm với ngành âm nhạc. Thay vì trả tiền để tải từng bài hát, người dùng Spotify chỉ cần trả phí hằng tháng là truy cập được lượng bài hát gần như không giới hạn. Dù vậy, Spotify vẫn chưa có lãi.

Đến nay, cách kinh doanh của Spotify vẫn hiệu quả khi tổng người dùng hằng tháng lên 602 triệu, trong đó 236 triệu người trả phí hằng tháng. Năm ngoái, Spotify báo cáo doanh thu hơn 13,2 tỷ Euro. Dù vậy, Spotify vẫn chưa có lãi. Theo báo cáo, Công ty lỗ hơn 532 triệu euro năm 2023. Vậy, đâu là “điểm chết” trong mô hình kinh doanh của Spotify?

Phí bản quyền và vị thế trước các công ty âm nhạc

Doanh thu của Spotify chủ yếu đến từ hai nguồn: Tiền thuê bao hằng tháng (chiếm phần lớn) và tiền quảng cáo. Mỗi khi một bài hát được phát, Spotify phải trả một khoản tiền cho nghệ sĩ và công ty thu âm. Hiện, con số này dao động từ 0,3-0,5cent mỗi lần phát và tổng số tiền thanh toán khoản phí này là lý do khiến thu nhập ròng của Spotify bị âm. Cần biết rằng chủ sở hữu bản quyền một bài hát có thể gồm nhạc sĩ, nhà phát hành, chủ sở hữu bản ghi âm chính.

z5432036358773_2f46832af8cc1e6fccc66bd766d93d76.jpg

Theo báo cáo thu nhập 2023, Spotify đã trả hơn 9,85 tỷ euro phí truyền phát, đồng nghĩa với mỗi euro thu về thì 75cent đã chảy vào túi chủ sở hữu bản quyền. Do đó, Spotify chỉ còn 25cent để thanh toán các chi phí khác như nhân sự, tiếp thị, phát triển hệ thống lưu trữ, pháp lý, v.v... Rõ ràng chừng ấy là không đủ.

Trong tình huống này, để khắc phục, giải pháp cần nhất là phải giảm tiền bản quyền. Vậy, với tư cách người dẫn đầu ngành phát nhạc trực tuyến, vì sao Spotify không sử dụng sức mạnh này để buộc các nghệ sĩ và công ty thu âm chấp nhận mức phí thấp hơn? Vấn đề là các công ty mà Spotify phải trả tiền bản quyền cũng rất mạnh, thậm chí mạnh hơn nhiều so với Spotify.

Ngành công nghiệp thu âm âm nhạc với ba ông lớn kiểm soát hơn 70% thị phần là Sony music, Warner music Group và Universal music group. Theo đó, nghệ sĩ ký bản quyền âm nhạc của họ cho các công ty này để đổi lấy sự hỗ trợ về quảng bá và phân phối, nên cả ba đều chống việc giảm phí, thậm chí đe dọa xóa danh mục âm nhạc của họ khỏi Spotify nếu nó xảy ra. Trong mối quan hệ với ba “ông lớn” này, Spotify ở vào thế yếu, khi chỉ một trong ba rút nội dung của họ khỏi ứng dụng cũng có thể gây ra thảm họa.

Ví dụ, nếu Universal không hài lòng với mức phí trả cho mình và quyết định ngừng cấp phép nội dung, bài hát của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Taylor Swift, Drake, Adele, The Weekend và nhiều người khác nữa sẽ không còn trên Spotify. Đáng chú ý, Taylor Swift, Drake và The Weekend lại thuộc top 10 nghệ sĩ có lượt nghe nhiều nhất ứng dụng, lần lượt ở vị trí thứ nhất, thứ nhì và thứ tư. Nhìn chung, nếu không đạt thỏa thuận với Universal, Spotify sẽ mất quyền truyền phát với khoảng 4 triệu bài hát, và hệ quả là một lượng lớn người dùng sẽ ngừng sử dụng dịch vụ để chọn một trong các đối thủ cạnh tranh của Công ty.

Đối thủ cạnh tranh quá mạnh

Một giải pháp khả thi khác là tăng giá thuê bao hằng tháng. Dựa trên số liệu 2023, chỉ cần doanh thu tăng thêm 20%, Spotify sẽ có lãi. Vậy, tại sao Công ty không tăng 20% giá thuê bao? Điều này khó thực hiện khi xét đến bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp phát nhạc trực tuyến. Hiện, ngành đã trở nên khá đông đúc với nhiều cái tên khác như Apple music, Amazon music, YouTube music và Tencent music. Dù vậy, điểm đáng chú ý là ngành này lại đồng nhất và có rất ít yếu tố làm nên sự khác biệt giữa các đối thủ, khi tất cả dịch vụ phát trực tuyến đều có quyền truy cập vào danh sách nhạc. Dù sử dụng Apple music hay Spotify, người dùng đều có thể nghe bất kỳ bài hát nào họ muốn bằng một trong hai ứng dụng, đồng nghĩa, mỗi trình phát nhạc đều cung cấp dịch vụ giống hệt đối thủ khác trong ngành.

Đây cũng là lý do tất cả dịch vụ đều có giá thuê bao ngang nhau. Vì không có sự khác biệt giữa các dịch vụ, nên khách hàng khá nhạy cảm về giá thuê bao. Do đó, nếu Spotify tăng giá đăng ký, khách hàng đơn giản chỉ cần chuyển sang một dịch vụ khác rẻ hơn. Hơn nữa, trong những công ty lớn tham gia ngành truyền phát, Spotify đang ở vị trí không thể tăng giá.

Cần biết rằng, các công ty này hiện sử dụng dịch vụ phát trực tuyến như một phần để thúc đẩy các gói dịch vụ khác có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa. Đơn cử như gói Apple One cho phép người dùng đăng ký một lúc tối đa 6 tiện ích của Apple, gồm Apple music, Apple Fitness, Apple TV+, Apple Arcade, Apple News+ và iCloud+. Nghĩa là, Apple đã kết hợp sản phẩm thua lỗ với sản phẩm kiếm được tiền để cung cấp gói dịch vụ tạo ra lợi nhuận lý tưởng nhất. Điều tương tự cũng xảy ra với Amazon, nơi cung cấp gói Prime kết hợp Amazon Music với Prime delivery, Prime video, Prime gaming… Nên, việc Spotify tăng giá đăng ký rốt cục chỉ mang lại lợi ích nhiều hơn cho đối thủ, vì nó sẽ dẫn tới sự ra đi của nhiều khách hàng để chuyển sang đăng ký một dịch vụ phát trực tuyến khác như Apple music.

Liệu có cơ hội ở thị trường mới?

Bế tắc trong việc giảm phí bản quyền lẫn tăng giá thuê bao, Spotify vài năm qua nỗ lực mở rộng sang các thị trường mới.

Một phần tham vọng của Spotify trong lĩnh vực podcast là kiếm tiền từ các chương trình riêng và mở rộng doanh thu quảng cáo. Ứng dụng hiện ghi nhận hơn 100 triệu người nghe podcast, gấp 10 lần so với năm 2019. Ngoài ra, quảng cáo sắp tới có thể sẽ thành nguồn thu chính. Để làm điều này, Spotify đã đầu tư từ phát triển công nghệ chèn quảng cáo qua phát trực tuyến để theo dõi chính xác hơn số lần hiển thị quảng cáo đến cho phép nhà quảng cáo mua vị trí nhắm mục tiêu tới đối tượng thay vì quảng cáo trên một chương trình cụ thể.

Dù vậy, chiến lược podcast của Spotify đến nay đã có phần suy giảm. Một số tên tuổi lớn đã ngừng hợp tác vì cho rằng podcast không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Có thể thấy, Spotify đang ở vị trí hết sức khó khăn, khi một mặt bị các công ty thu âm hùng mạnh ăn mòn lợi nhuận và mặt khác bị các đối thủ cạnh tranh kìm hãm tốc độ tăng trưởng doanh thu. Nếu không tìm ra phương án khả thi, nhiều khả năng “cuộc cách mạng” của Spotify rồi sẽ chỉ là dĩ vãng.

Khởi Vũ