Đời thường

Cô đơn thời hiện đại

Quảng Yên 04/06/2024 - 18:37

Trong số các giải Pulitzer năm nay, phần lớn là dành cho thể loại báo chí điều tra. Trong đó The Newyork Times có bài về câu chuyện một gia đình: Hai cô gái đã vượt qua hoàn cảnh có mẹ mắc chứng bệnh mất trí nhớ - Alzeimer.

Ở nước ta, vừa mới đây có bài hát nói về việc cô đơn của các cặp yêu nhau kiểu “bỏ anh một mình trên sofa” - màn trình diễn trong một lễ hội của một doanh nhân dưới màn mưa, được hoan nghênh nhiệt liệt. Vậy mà nay cả xã hội giật mình: Trên sofa cô đơn không chỉ ai đó đang buồn vì người yêu bỏ rơi mà một chung cư ở Hà Nội có một cô gái chết khô trên sofa cả năm trời mà chẳng ai hay.

thumbnail-674-tr28a.jpg

Cái xác khô trên sofa đặt ra bao nhiêu câu hỏi: Sao không ai đi tìm cô ấy? Sao hàng xóm khu nhà không ai phát hiện khi xác chết phân hủy bởi chắc chắn nặng mùi? Sao người có trách nhiệm ở chung cư không kiểm tra? Một người biến mất dễ vậy sao?

Cái chết ấy đánh động “bệnh xã hội hiện đại” đã không còn ở đâu xa.

Trên thế giới, căn bệnh mất trí nhớ ngày càng phát triển do “sức nặng quá tải của thời đại” tác động lên não con người. Bệnh Alzeimer ở phương Tây được người ta “biết sợ” sớm hơn.

Tại Nhật Bản, năm 2024 dự báo sẽ có 68.000 người già chết mà không ai hay do sống cô độc hoặc xa con cái. Nhiều người thắc mắc, chả lẽ thà chết cô độc chứ không thể… chung sống cùng ruột thịt gia đình. Chao ôi, loài người đã “quá tệ”?

Chẳng phải ở tây, mà các làng Việt Nam ta nay cũng đã có hiện tượng người chết mà không ai biết do nhà đã biến thành nhà thờ tổ vì con cháu đã đi làm ăn xa. Ai cũng than khóc nhớ quê, thèm bữa cơm quê, nhưng ngày lễ, ngày nghỉ xong là phải rời đi ngay, thành phố và công việc mưu sinh đang chờ họ. Hoặc là thói quen mới, cách sống mới làm cho có người không chịu nổi sống ở quê nhà.

Điều đó là quy luật không tránh khỏi chăng? Chết khô trên sofa chỉ là cá biệt của một tình trạng không cá biệt, là nỗi cô đơn kiểu ngày nay chăng?

Bao câu hỏi đặt ra cùng nỗi lo. Nhưng rồi làm gì trong thế giới “kết nối dễ ợt một tíc tắc” mà cách xa nhau vời vợi. Tình gia đình cũng thành “ảo” cả rồi chăng?

Cái chết khô trên sofa mang tính biểu tượng của sự “cô đơn hiện đại”. Cô đơn ngay trong một xã hội kết nối.

Lại càng thấy thương… ngày xưa. Khi cha mẹ tiễn con ra trận, chỉ là hình ảnh đưa con ra nơi tập trung đầu làng, đầu xã. Thậm chí nhìn con đi xuống cầu thang… rồi xa vời vợi. May thì có thư về. Không may thì đó là hình ảnh cuối cùng của đứa con. Ngày nay thì ở xa mấy mà có sóng wifi là nhìn thấy nhau như đang đứng bên. Vậy mà có bao nhiêu người chết mà không ai biết!

Càng thấy quý hóa truyền thống ngày xưa với tình làng nghĩa xóm gắn bó như một đại gia đình. Không biết rồi đây truyền thống ấy - tình làng nghĩa xóm ấy có còn không khi cuộc sống hiện đại đã cá nhân hóa, những chung cư ngàn căn hộ, những khu nhà phố dày đặc, những khu biệt thự liền kề mà hàng xóm là một từ xa lạ. Xa lạ - sự cảnh báo lối sống ngay khi có tổ dân phố, có khu phố với đủ đầy chi bộ, đoàn thể…

Quảng Yên