Chuyện làm ăn

Cơ hội thâm nhập thị trường Halal 7.000 tỷ USD

Hồng Nga 03/06/2024 - 08:32

Với giá trị 7.000 tỷ USD mỗi năm, thị trường Halal (sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Thị trường rất tiềm năng

Thị trường dành cho người Hồi giáo ở Malaysia nói riêng và thị trường Halal nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển, là cơ hội tốt để DN Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

Chia sẻ tại Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của DN Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” ngày 31/5, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP.HCM Firdauz Bin Othman cho biết, thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới. Dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người vào năm 2017 lên con số 3 tỷ người vào năm 2060. Thị trường khổng lồ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí.

halal.png

Riêng mảng thực phẩm Halal có tốc độ phát triển rất nhanh, được dự báo sẽ đạt khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Mảng thực phẩm Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Còn theo TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ, trên phạm vi toàn cầu, thị trường này có trị giá 7.000 tỷ USD, ước tính đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Đây là thị trường có quy mô to lớn và ngành công nghiệp Halal không chỉ giới hạn ở các sản phẩm thực phẩm mà hiện đã bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm y tế, đồ vệ sinh cá nhân, thiết bị y tế...

Riêng với thị Malaysia, ông Đào Minh Chánh - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, đây là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực Asean.

Bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Malaysia đạt 4,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 1,6 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng, máy vi tính, điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, xăng dầu, hóa chất...

Với tốc độ phát triển nhanh chóng và việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam.

Cần hiểu rõ về Halal

Mặc dù nhiều tiềm năng nhưng để tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, DN phải hiểu thật kỹ về Halal. Bởi theo các chuyên gia, thị trường Halal được đánh giá là khó tính khi các sản phẩm của thị trường này luôn gắn liền với những quy định đặc thù và nghiêm ngặt của Islam.

Trong khi đó, các DN lại chưa hiểu đầy đủ về văn hóa Islam, nhất là các vấn đề, nội dung liên quan đến các khía cạnh về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm. Vì vậy, DN thường gặp các vấn đề về nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và mẫu mã, thương hiệu sản phẩm chưa phù hợp với văn hóa Islam và không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Halal.

tls-malay.jpg
Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP.HCM Firdauz Bin Othman cho biết thị trường Halal rất iiềm năng

TS. Phú Văn Hẳn cho rằng, muốn xuất khẩu vào thị trường này, trước tiên, DN phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận này không phải là dễ. Các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận rất nghiêm ngặt lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia và với tất cả các mặt hàng. Vì vậy, bắt buộc DN phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

“Các DN phải hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal, gồm các yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý và các khía cạnh khác liên quan đến sản phẩm và hoạt động kinh doanh của DN”, TS. Phú Văn Hẳn nhấn mạnh.

Ngoài những lưu ý trên, các chuyên gia cho rằng, thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal. Vì vậy, để xuất khẩu bền vững, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal cần được chú trọng. Các DN và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal…

Bên cạnh đó, các DN và bên cung ứng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal, xây dựng lộ trình thực tế để triển khai chuỗi giá trị Halal và rà soát tiến độ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Firdauz Bin Othman cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal trên khắp thế giới.

ts-han.jpg
TS. Phú Văn Hẳn - Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ lưu ý doanh nghiệp phải hiểu rõ và nắm vững các tiêu chuẩn Halal nếu muốn thâm nhập thị trường này

“Để khai thác tiềm năng trong lĩnh vực Halal, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal, tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại dành riêng cho sản phẩm Halal”, ông Firdauz Bin Othman tư vấn.

Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Malaysia đạt 12,67 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 4,86 tỷ USD. Hai nước đang nỗ lực đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD vào năm 2030.

Malaysia hiện là thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Riêng TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia đạt gần 178,8 triệu USD, tăng 77% so cùng kỳ năm 2023.

Hồng Nga