Quốc tế

Malaysia đẩy mạnh đào tạo nhân sự, quyết tâm trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu

Nguyên Phước 02/06/2024 - 15:24

Thủ tướng Anwar Ibrahim vừa nói rằng, Malaysia có kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư chuyên về chất bán dẫn, để tiến tới trở thành trung tâm chip và chất bán dẫn toàn cầu.

Quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, định vị mình là trung tâm của các nhà sản xuất, khi nhiều công ty toàn cầu muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

images.firstpost.com-uploads-2023-12-_chinese-chip-companies-are-turning-to-malaysia-for-their-high-end-chip-gpu-needs.jpg
Malaysia quyết tâm trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu - Ảnh: Firstpost

Theo chiến lược về chất bán dẫn được công bố hôm 28/5, chính phủ Malaysia sẽ phân bổ 5,33 tỷ USD trong 5 đến 10 năm tới, để bồi dưỡng nhân tài và phát triển các công ty địa phương. Mục tiêu là tạo ra 60.000 kỹ sư chất lượng cao, với sự tham gia của các trường đại học và tập đoàn hàng đầu.

Thủ tướng Anwar nói: “Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra 1 hệ sinh thái, được thúc đẩy bởi các công ty năng động đẳng cấp thế giới. Chúng tôi cũng muốn hợp tác với các công ty toàn cầu, nhằm thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Malaysia sẽ trở thành điểm trung lập cho các hoạt động sản xuất và cung ứng chất bán dẫn.”

Theo các chuyên gia, có thêm nhiều kỹ sư lành nghề là rất quan trọng, nếu Malaysia muốn thu hút đầu tư lớn hơn từ các ông lớn công nghệ.

Theo chiến lược trên, chính phủ đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư thông qua trực tiếp trong nước (DDI) và trực tiếp nước ngoài (FDI). Chiến lược cũng hỗ trợ các kỹ sư địa phương, trong việc tạo ra tài sản trí tuệ dưới dạng thiết kế chip.

Sự chú tâm của Malaysia vào ngành công nghiệp bán dẫn, đã bắt đầu từ hơn 5 thập kỷ trước. Hiện tại, nước này cung cấp 13% dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip trên thế giới.

Tháng 12/2021, Intel chi hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip tại Malaysia, dự kiến bắt đầu sản xuất trong năm 2024 này. Năm 2023, tập đoàn Infineon Technologies của Đức công bố khoản đầu tư lên tới 5 tỷ euro trong 5 năm tới, để xây dựng cơ sở chế tạo cacbua silic 200 mm lớn nhất thế giới.

Gần đây, chính phủ Malaysia tung ra chương trình VISA “Golden Pass” và một số gói ưu đãi khác, để thu hút công ty đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp công nghệ. Malaysia cũng vừa thành lập trung tâm thiết kế chip tích hợp lớn nhất khu vực tại bang Selangor.

Nguyên Phước