Quản trị

Doanh nghiệp đầu tư vào bền vững - Nên như thế nào?

Hồng Nga 01/06/2024 - 02:13

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển cần nhanh chóng thích ứng và thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức lãnh đạo sang hướng bền vững…

Hướng đi tất yếu

Năm 2024, thế giới đang dịch chuyển sang một thời kỳ mới, đòi hỏi người lãnh đạo có tâm và tầm, có khả năng kết nối, sáng tạo để bứt phá. Trước những tác động mạnh mẽ trên mọi phương diện của nền kinh tế toàn cầu, DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, phải vừa đồng thời đối mặt với các khó khăn do suy thoái vừa phải xoay sở kiến tạo lại bộ máy DN cho phù hợp với bối cảnh chung của xã hội.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050, cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.

Chia sẻ tại diễn đàn lãnh đạo 2024 với chủ đề “Lãnh đạo kiến tạo tương lai” ngày 30/5, Tổng lãnh sự Indonesia tại Việt Nam Agustaviano Sofjan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mọi cá nhân, tổ chức, DN phải có khả năng thích ứng nhanh mới có thể tồn tại và phát triển.

“Mỗi người chúng ta đều đóng vai trò nhất định cho sự phát triển bền vững gắn với các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường”, ông nhấn mạnh.

dien-dan.jpg

Cùng quan điểm, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khẳng định, để DN phát triển và đi đường dài thì phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất.

Cũng theo ông Thông, phát triển bền vững với DN là khoản đầu tư bắt buộc mà các DN phải hướng đến. Dù đây là điều mà các nhà lãnh đạo, chủ DN muốn hướng tới nhưng không phải khoản đầu tư nào cũng tạo ra giá trị hoàn vốn trong ngắn hạn. Giá trị hoàn lại của khoản đầu tư vào phát triển bền vững có thể kéo dài theo chu kỳ hàng năm, và điều này tạo khó khăn cho ban quản trị cũng như ban điều hành DN.

“Phát triển bền vững là hướng tốt nhưng cũng tốn nhiều chi phí và tạo ra gánh nặng tài chính cho DN. Vì vậy, DN phải có tính toán, xây dựng chiến lược phù hợp để có thể tạo ra giá trị hoàn lại và có giá trị hoàn lại mới là phát triển bền vững”, ông Thông nói.

Nên như thế nào?

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đồng sáng lập Qũy đầu tư Do Ventures cho rằng, tại nhiều quốc gia, phát triển bền vững được thúc đẩy nhanh hơn khi các quy định được đưa ra ở khu vực công. Trong khi đó, khu vực tư nhân phải có bước chuyển biến ngay từ trong nội tại.

Khi các “thoả thuận xanh” của EU bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024, những lĩnh vực xuất khẩu sang châu Âu như may mặc, thép, nhôm… phải chuyển đổi toàn diện để đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu này.

Những tiêu chí về phát triển bền vững mà các nước triển khai sẽ giúp DN Việt Nam chuyển đổi xanh và phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện Việt Nam chưa có nhiều quy định về lĩnh vực này nhưng sắp tới sẽ hình thành nên nhiều quy định và tiêu chí về phát triển bền vững trong nước.

Chia sẻ thực tế việc chọn DN để “đồng hành”, bà Uyên Vy cho biết, vẫn còn nhiều DN chưa đáp ứng các tiêu chí về ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Có hai khía cạnh mà Do Ventures nhìn vào khi lựa chọn DN để đồng hành. Đó là ngành nghề, quy trình đầu tư của DN có đúng tầm nhìn, có thể phát triển bền vững không, và nội tại DN phải phát triển bền vững như thế nào. Quỹ Do Ventures không đầu tư vào các DN có tác động tiêu cực tới xã hội, môi trường dù kinh doanh có lãi cao. Vì vậy, để có được sự đồng hành của Do Ventures, DN phải bổ sung các tiêu chí về ESG.

Ở khía cạnh khác, bà Vưu Lệ Quyên - Tổng giám đốc Công ty Biti's cho rằng, để DN phát triển bền vững, phải thiết lập hoạt động một cách cân bằng giữa các yếu tố con người, kinh tế và thiên nhiên. Để làm được điều này, cần sự thay đổi về mặt tư duy của con người, giúp cho nhân sự công ty có sự chuyển biến về nhận thức, hiểu về phát triển bền vững, những thách thức mà thiên nhiên, sự sống con người đang phải đối mặt.

“Tại công ty, chúng tôi thành lập Bộ phận Phát triển bền vững được liên kết với nhiều phòng ban, để thay đổi cách thức quản trị”, bà Quyên cho biết.

Hồng Nga