Thời sự

Đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi cho 213.000 lao động

Thanh An 27/05/2024 - 10:48

Đề xuất dùng tiền lãi kết dư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội xóa nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho hơn 213.000 lao động được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra tại Hội nghị đánh giá quy chế làm việc giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động vừa diễn ra.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, các trường hợp người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn chỉ mới được xử lý được theo phương án tạm thời là đóng bảo hiểm xã hội đến đâu được hưởng đến đó. Tuy nhiên, còn quyền lợi tiếp theo do người lao động bị ngắt quãng đóng bảo hiểm xã hội vẫn đang là vướng mắc chưa được giải quyết.

btdung-6767-1716714343-1716723-2218-8677-1716723038.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn dẫn chứng việc cấp thẩm quyền từng xóa nợ thuế và cho biết đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chủ trương xóa khoản nợ xấu bằng tiền lãi từ kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Theo đó. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, cần xóa nợ bảo hiểm xã hội cho các trường hợp người lao động bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội. Khi khoản này được xóa thì mới có thể giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động.

"Hơn 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm xã hội, trong khi đó, đây chính là tiền của họ đóng góp chứ không phải nhà nước hay tư nhân đóng cho người ta", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

bhxh1-16802560226591451981425.jpeg
213.000 lao động đang bị treo quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn

Theo thống kê hết năm 2022, tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến 213.000 lao động tại các đơn vị này bị treo quyền lợi. Họ không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội để xin vào công ty mới và đóng bảo hiểm tiếp, không được giải quyết hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất.

Bên cạnh trường hợp của 213.000 lao động bị treo quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn thì hiện nay các cấp thẩm quyền cũng đang tìm phương án giải quyết chế độ cho 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm xã hội trái luật,

Trước tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất ba phương án để giải quyết quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp.

Phương án một, tính thời gian chủ hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ theo quy định, đồng thời bổ sung chủ hộ kinh doanh thuộc diện đóng bắt buộc vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phương án hai, hoàn trả tiền đóng và thu hồi tiền đã chi cho các chế độ bắt buộc như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn. Các khoản thu hồi lẫn hoàn trả này sẽ không tính lãi.

Phương án ba, tích hợp hai nội dung vừa nêu, tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các chủ hộ và đưa nội dung vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Thanh An