Đại gia bán lẻ ngoại đang lấn át thương hiệu Việt?
Từ sau đại dịch Covid-19, Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các “ông lớn” bán lẻ nước ngoài. Cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt nhưng liệu có sự lấn át các thương hiệu quốc nội?
Đại gia bán lẻ nước ngoài tăng tốc mở rộng quy mô siêu thị
Sự trỗi dậy của hệ thống phân phối hiện đại của bốn “ông lớn” bán lẻ nước ngoài bao gồm Aeon, Central Retail, Mega, Lotte trong thời gian qua khiến người tiêu dùng lưu tâm.
Vừa qua, Aeon xây trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam với diện tích sàn gần 30.000m2 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chưa đầy một tháng trước, “ông lớn” bán lẻ Nhật Bản này đã ra mắt mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn tại Crescent Mall (quận 7, TP.HCM). Theo đại diện của Aeon, sự mở rộng này nhằm khẳng định Việt Nam chính là thị trường trọng điểm thứ hai của họ, chỉ sau “mẫu quốc” Nhật Bản.
Sau khi mở 20 trung tâm bán sỉ và siêu thị tại Việt Nam, MM Mega Market (MM) mới đây lại hợp tác với các nhà đầu tư cá nhân sở hữu những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini để mở thêm 10.000 cửa hàng tạp hóa kiểu mới tại Việt Nam. Mô hình trung tâm giao hàng Horeca (khách sạn, nhà hàng) cũng tạo điểm nhấn khác biệt đối với thương hiệu Thái Lan này.
Hay với Central Retail - gia nhập thị trường Việt từ năm 2012, với các siêu thị Go!, Lan Chi, Top Market có kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng lên hơn 600 trong thời gian tới, “phủ sóng” 57/63 tỉnh - thành cả nước.
Có thể thấy, các “ông lớn” ngoại quốc không những phát triển số lượng mà còn đa dạng quy mô siêu thị, từ đại siêu thị chục ngàn mét vuông đến những siêu thị mini và cả những cửa hàng tạp hóa len lỏi trong các chung cư, khu dân cư đông đúc phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng.
Với 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, thị trường bán lẻ Việt Nam chắc chắn sẽ cạnh tranh khốc liệt, không chỉ giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại, mà còn là “cuộc chiến” giữa doanh nghiệp nội với chính “đồng hương”, giữa doanh nghiệp ngoại với nhau, giữa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử với chợ truyền thống. Cuộc “so găng” tranh giành khách hàng này khó có thể tiên lượng kết quả hồi kết.
Liệu có sự “lép vế” trên chính “sân nhà”?
Như vậy, liệu thị trường bán lẻ của doanh nghiệp ngoại quốc có lấn át doanh nhiệp bán lẻ nội địa?
Theo nhận định chung, lo ngại ấy là ở thì… tương lai. Bởi những con số đang phản ánh điều ngược lại, rằng hệ thống bán lẻ quốc nội dù đang phải giành khách với doanh nghiệp ngoại quốc nhưng vẫn rất vững chãi chứ không có chuyện bị lấn át.
Đơn cử, đáp lại màn “chào sân” của các “ông lớn” nước ngoài, hệ thống bán lẻ hiện đại do người Việt kiểm soát có Co.opmart, Bách hóa Xanh, Winmart, Emart… với độ phủ thị trường rất lớn. Hệ thống cửa hàng bán lẻ WinMart của Công ty CP Tập đoàn Masan gần như không có đối thủ trong phân khúc cửa hàng bán lẻ tại khu dân cư với hơn 3.500 điểm bán. Chỉ riêng trong tháng 4/2024, WinCommerce đã mở thêm 15 cửa hàng WinMart+. Co.opmart có hơn 600 cửa hàng và đang tiến tới 900 cửa hàng vào cuối 2024. Hệ thống siêu thị Emart của tỷ phú Trần Bá Dương cũng khai trương thêm hai trung tâm rộng hơn chục ngàn mét vuông hồi đầu năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt hơn 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm vào đó, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Kantar, hệ thống bán lẻ hiện đại như kể trên (siêu thị, sàn thương mại điện tử) cũng chỉ chiếm 20% hệ thống phân phối. Trong khi đó các hình thức phân phối truyền thống (tiệm tạp hoá, cửa hàng tiện dụng, chợ truyền thống) có độ phủ đến 80%. Đây chính là lợi thế của ta trên “sân nhà”. Trong vài năm qua, sự phát triển của kênh phân phối hiện đại có thời điểm chững lại, còn kênh phân phối truyền thống vẫn kinh doanh vững vàng. Thậm chí, kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ như thanh toán điện tử, kết hợp bán hàng online với trực tiếp, tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.
Vậy, các đại gia bán lẻ ngoại quốc không thể lấn át doanh nghiệp quốc nội của ta. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, các chuỗi bán lẻ “nước ngoài” đang hoạt động rất hiệu quả. Nếu chỉ là lợi thế hiểu tâm lý khách hàng, chẳng mấy chốc các chuỗi bán lẻ Việt Nam sẽ bị “lép vế”, bởi hiện nay doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng rất hiểu tâm lý người Việt và có nhiều “mánh” để thu hút người tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp trong nước cần theo sát và có giải pháp củng cố phù hợp mô hình hoạt động, chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó giữ vững thị phần, không để đối thủ ngoại “lấn sân”.