Thời sự

TP.HCM phải sáng tạo thu hút FDI công nghệ cao

Hưng Khánh 25/05/2024 09:00

Trong kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), TP.HCM xác định ưu tiên một số ngành, lĩnh vực là kinh tế số, công nghệ vi điện tử, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, năng lượng sạch (gọi chung là công nghệ cao). Doanh Nhân Sài Gòn đã gặp TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để bàn về vấn đề này.

28-29-dns.jpg

* Có những "ông lớn" trong các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên thu hút FDI đã đến Việt Nam, như Apple, Microsoft, NVIDIA nhưng moo số lại có kế hoạch chuyển sang Malaysia. Đó có là phải tín hiệu đáng buồn?

- Theo tôi, việc ấy chưa nói lên được điều gì và cũng không cần phải quá lo ngại hay thất vọng. TP.HCM hay các thành phố khác trong khu vực đều mong muốn thu hút vốn FDI công nghệ cao, đặc biệt là các nhà đầu tư hàng đầu của thế giới, nhưng đầu tư vào đâu là quyền của họ.

Việc các “ông lớn” đến TP.HCM mà chưa đầu tư vì họ phải cân nhắc nhiều yếu tố và có lẽ chưa phù hợp vào thời điểm này. Đó cũng là thời gian để ta nhìn nhận lại những chính sách hiện hành, có những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

* Một trở ngại lớn khi TP.HCM thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao là sự hạn chế về quỹ đất, phải không, thưa ông?

- Thiếu quỹ đất là một trong các vấn đề có thể khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi ra quyết định, bởi để có một dự án lớn, nhà đầu tư thường yêu cầu quỹ đất 5-10ha. Nhưng, cho đây là lý do chính thì chưa đúng. TP.HCM có thể đang khó khăn về quỹ đất, nhưng nói “hết sạch” thì chưa.

* Theo ông thì làm thế nào để khắc phục tình trạng ấy?

- Được biết, một loạt khu công nghiệp cũng đã được quy hoạch để mở rộng. Một số dự án đang gặp vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng chậm cũng đang được TP.HCM tháo gỡ, khơi thông để sớm đưa vào hoạt động. Đơn cử như ở TP. Thủ Đức vẫn còn khá nhiều quỹ đất để khai thác, Khu Công nghiệp Phạm Văn Hai I (379ha) và Phạm Văn Hai II (289ha) tại huyện Bình Chánh, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi đều đang trong quá trình gỡ vướng để mở rộng, kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Đã đến lúc TP.HCM không thể thu FDI công nghệ kém được nữa. Quỹ đất cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao đã được đặt ra trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Những dự án vào Thành phố phải đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, xanh, sạch.

5654645.jpg

* Các nhà đầu tư thường có yêu cầu cao về các lĩnh vực đầu tư mới. Trước đó, Samsung đưa ra 18 yêu cầu khi đầu tư vào Việt Nam, Intel cũng đưa ra 28 yêu cầu. Thuế, đất đai, hạ tầng chỉ là một phần, các chính sách liên quan đến pháp lý, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng là ưu tiên. Họ còn quan tâm đến điều gì nữa, thưa ông?

- Ngoài tài chính, đất đai, các nhà đầu tư vào công nghệ cao khi lựa chọn Việt Nam cần nhiều sự hỗ trợ hơn thế. Họ yêu cầu môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và lành mạnh, môi trường sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số phải tốt, việc chuyển dịch lao động chất lượng cao cũng cần bám sát nhu cầu thực tế của họ.

Các chuyên gia, kỹ sư theo những dự án FDI có kinh nghiệm và tay nghề cao rất quan tâm tới các yếu tố như chất lượng cuộc sống, đi lại cho bản thân và gia đình họ. Liệu TP.HCM đã là thành phố thực sự để thu hút họ sinh sống và làm việc hay chưa? Chủ những FDI còn mong muốn kết nối với doanh nghiệp trong nước một cách thuận lợi.

* Theo ông thì thời gian tới, TP.HCM cần làm gì để tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao?

- Ngoài việc tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Thành phố cần tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác mà Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao. Trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và các quốc gia đều đã vạch ra những lĩnh vực hợp tác phát triển, trong đó có nhiều lĩnh vực đang là lợi thế rất lớn của TP.HCM. Đây cũng là cơ hội gỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

TP.HCM cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu kinh tế thông qua cách làm tiên phong, sáng tạo, bởi kinh tế hiện nay đòi hỏi “vừa làm vừa chạy”, phải triển khai đồng thời thay vì chờ thể chế và chính sách ổn định.

TP.HCM cũng cần triển khai các nhóm giải pháp nhằm kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo mối liên kết hỗ trợ, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản trị, văn hóa doanh nghiệp của khu vực FDI.

Đặc biệt, các chính sách cơ bản thu hút FDI đã triển khai vẫn phải tiếp tục thực thi, đánh giá hiệu quả để sửa đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế từng thời điểm của các nhà đầu tư.

* Cám ơn ông!

Hưng Khánh