Công nghệ

Nhanh chóng khai thác cơ hội từ chuyển đổi xanh

Hồng Nga 25/05/2024 08:49

Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và doanh nghiệp (DN) cần nhanh chóng khai thác cơ hội này.

Cơ hội mới

Chia sẻ tại Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore (VSBF 2024) chiều ngày 24/5, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã đề ra các định hướng và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi xanh. Cụ thể là đã xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất sạch, tái chế, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quốc tế về đổi mới và chuyển giao công nghệ…

dien-dan.jpg

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 từng bước thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, năng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện hóa cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.

Chuyển đổi năng lượng công bằng để phát triển bền vững có ý nghĩa quyết định đối với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Sự tham gia tích cực và hợp tác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết thách thức toàn cầu này.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Diễn đàn VSBF, Giám đốc Điều hành Vietstar cho rằng, quá trình đưa phát thải ròng bằng “0” sẽ định hình lại nền kinh tế, mở ra thị trường mới cho một số ngành nghề nhưng cũng đồng thời thu hẹp thị trường của một số ngành nghề khác.

“Với tiềm năng doanh thu hàng năm đạt 12 nghìn tỷ USD từ các dịch vụ xanh vào năm 2030 sẽ có nhiều cơ hội lớn mở ra. Các DN tiên phong áp dụng các giải pháp chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới”, bà Thu Hằng nói.

Vai trò quan trọng của doanh nghiệp

Chia sẻ câu chuyện thực tế về chuyển đổi xanh tại Singapore, ông Lim Boon Heng, Nguyên Bộ trưởng Nội các Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Singapore, Chủ tịch Temasek Holdings cho biết, Singapore đã bắt tay vào "Kế hoạch xanh Singapore 2030" với chiến lược phát triển bền vững toàn quốc tác động đến mọi lĩnh vực, tổ chức. Đây là một sáng kiến đầy tham vọng và toàn diện nhằm biến đổi đất nước thành một quốc gia, một thành phố đô thị xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo ông Lim Boon Heng, các mục tiêu phát triển bền vững có tính chất biến đổi, đòi hỏi các giải pháp táo bạo, sáng tạo để giải quyết. Vì vậy, “đây là lúc các nhà lãnh đạo ở Việt Nam - Singapore và trên thế giới phải làm việc cùng nhau để khai thác các nguồn lực, khả năng cho môi trường xanh và cơ hội kinh doanh bền vững để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050”, ông Lim Boon Heng nhấn mạnh.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho rằng, DN đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu của giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26 và các nỗ lực toàn cầu.

Hiện nay, các DN, đặc biệt là DN trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, giao thông vận tải, nông nghiệp là những tác nhân chính gây ra phát thải khí nhà kính và những tác động đến môi trường. Vì vậy, nếu không có sự tham gia và cam kết tích cực của những DN này sẽ rất khó đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững và khí hậu toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu, các DN có thể nghiên cứu và triển khai năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo các chuyên, cùng với việc thực hiện, rất cần các giải pháp kiểm tra, giám sát việc thực thi. Thành viên Hội đồng chuyên gia về quản trị và khí hậu - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Shai Ganu khẳng định, giám sát ESG là vấn đề của toàn thể hội đồng quản trị với sự chú tâm từ các Ủy ban Phát triển bền vững. “Việc quản lý rủi ro hiệu quả sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn và ổn định hơn cho các cổ đông và hoạt động kinh doanh bền vững hơn trong dài hạn”, ông Shai Ganu nói.

Hồng Nga