Hoạt động

SACA tổ chức Ngày hội Kinh doanh SBD kỷ niệm 33 năm thành lập

Tâm An 23/05/2024 16:46

Chiều 22/5, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA) đã tổ chức chương trình Ngày hội Kinh doanh SBD kỷ niệm 33 năm thành lập.

Chương trình cũng diễn ra cùng với lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập SACA (18/5/1991 - 18/5/2024), đánh dấu một chặng đường hoạt động của SACA với nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hội bạn, hội viên trong ngành, số viên của Hội đã tăng lên liên tục. Trong thời gian tới, mục tiêu của SACA là làm sao để các hội viên có thể tăng cường kết nối, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, đòng thời, phát huy được năng lực, cạnh tranh của ngành xây dựng.

dsc00288.jpg
Doanh nghiệp tham gia Ngày hội Kinh doanh SBD kỷ niệm 33 năm thành lập SACA

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch SACA cho biết, vật liệu xây dựng Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao trên thị trường toàn cầu và sẽ ngày càng cạnh tranh hơn. "Với nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có, nguồn lao động dồi dào, hệ thống cảng biển nằm sát các khu công nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển đều rất thấp. Do "sinh sau đẻ muộn" nên các nhà máy ở Việt Nam hầu hết đều sử dụng những công nghệ sản xuất và phương thức quản lý mới nhất nên chất lượng và hiệu suất rất cao", ông Hải cho biết.

Những yếu tố đó đã giúp ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển như vũ bão trong khoảng 25 năm qua. Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10-30% công suất phục vụ cho xuất khẩu, có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài. Hiện ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

vie04745.jpg
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch SACA chia sẻ tại chương trình

Để doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp ra nước ngoài, ông Hải đưa ra 7 nhiệm vụ chiến lược như sau với các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng, như sau: Tái cấu trúc toàn diện (sản phẩm, thị trường, mô hình kinh doanh), tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; mạnh dạn hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nâng đỡ nhau cùng tiến bộ, kết nối với doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài; quan tâm đầu tư nghiên cứu và phát triển, chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ xanh; xây dựng, gìn giữ và nâng cao uy tín chung của ngành xây dựng Việt Nam; nỗ lực đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.

dsc00666.jpg
Lễ ký kết giữa Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM và SACA

Trong chương trình cũng diễn ra Lễ ký kết giữa Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM và SACA để tổ chức Triển lãm Nội thất và xây dựng Việt Nam (VIBE) nhằm tạo ra nền tảng thương mại chung của hai ngành nội thất và xây dựng, thông qua đó hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hai ngành; tạo ra các cơ hội kinh doanh cho thành viên hai bên và thúc đẩy phát triển.

Thành lập vào ngày 18/5/1991, đến nay SACA đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy Hiệp hội ngày càng phát triển. SACA đã liên tục triển khai nhiều chương trình hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, tổ chức nhiều sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm tạo nên sự gắn kết của các hội viên, góp phần vào sự thịnh vượng cho đội ngũ doanh nghiệp trong đại gia đình SACA.

Tâm An