TP.HCM định hướng phương pháp tăng năng suất lao động đến năm 2030
Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 vừa được UBND TP.HCM thông qua đã đặt ra những mục tiêu về tăng năng suất lao động và gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, việc tiếp tục cải thiện năng suất lao động từ phía doanh nghiệp, người lao động là một trong những trụ cột không thể thiếu của Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, Chiến lược xác định 8 lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực tại TP.HCM bao gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - ô tô; cơ điện tử - tự động hóa; kế toán - tài chính - ngân hàng - quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch và xây dựng - môi trường - đô thị.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa cao su, chế biến lương thực thực phẩm.
Việc chuyển đổi việc làm trong tương lai cũng được đề cập. Cụ thể, có 9 nhóm công nghệ chính sẽ phát triển và tác động đến sự hình thành 16 mô hình kinh doanh, ngành nghề mới, từ đó ảnh hưởng đến chuyển dịch lao động và việc làm tại TP.HCM gồm: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí thông minh nhân tạo; công nghệ tài chính; Internet kết nối vạn vật; người máy tiên tiến; sản xuất bồi đắp và công nghệ bán dẫn.
Ngoài ra, Chiến lược lao động - việc làm cũng đưa ra những yêu cầu cấp bách về kỹ năng xanh gắn với việc làm xanh khi TP.HCM cũng như Việt Nam nói chung đã có những cam kết chuyển đổi xanh, cam kết mức phát thải ròng bằng 0 và các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi xanh. Theo đó, việc làm xanh có xu hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn và đòi hỏi trình độ về khoa học công nghệ tương đối cao hơn so việc làm truyền thống.
Được biết, những năm qua, năng suất lao động xã hội của TP.HCM tăng trưởng chậm hơn so với cả nước. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động TP.HCM tăng 4,42%/năm. Giai đoạn 2016-2020 chỉ còn tăng 4,31%/năm, thấp hơn 0,11% so với giai đoạn trước. Tính cả giai đoạn 2016 - 2022, năng suất lao động của TP.HCM chỉ tăng 4,23%/năm.
Trong khi đó, năng suất lao động bình quân chung cả nước trong giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%. Đến giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, cao hơn 1,52% so với giai đoạn trước. Tính cả giai đoạn 2016-2022 tăng 6,71%.
Chính vì vậy, Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hằng năm đạt 7%/năm, chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.