Thời sự

3 ngân hàng yếu kém sẽ hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024

Bạch Khởi 20/05/2024 12:52

Ngân hàng CBBank, OceanBank và GPBank đã được định giá thành công và chuẩn bị hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024 theo báo cáo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 20/5.

Đây là thông tin của Phó Thủ tướng về tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài trước mắt đạt kết quả tích cực. Trong đó, việc chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã hoàn thành.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua lại với giá "0 đồng" là CBBank, OceanBank, GPBank.

ngan-hang-nha-nuoc-he-lo-viec-chuyen-giao-bat-buoc-4-ngan-hang-yeu-kem-20230503130214.jpg
Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 3 trong 4 ngân hàng yếu kém trong năm 2024

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương bắt buộc chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàngg gồm: CBBank, OceanBank và GPBank.

Liên quan đến báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết từ đầu năm đến nay tăng trưởng kinh tế cùa Việt Nam tiếp tục phục hồi, trong đó tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.

Do đó, để tháo gỡ các khó khăn trên, Chính phủ cho biết sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó có giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Theo đó, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tích cực tham gia và thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao; tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

Bạch Khởi