Trong nước

Cần giải pháp gì để hạ nhiệt giá vé máy bay?

Hà Mai-K Hưng 19/5/2024 6:00

Đây là trăn trở của các chuyên gia, khách mời, đại diện các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tham gia Hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5.

Ông Lâm Hiếu Dũng - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, dẫn thực tế rằng, kỳ nghỉ lễ ngày 30/4 - 1/5 vừa qua kéo dài tới 5 ngày nhưng lượng du khách tới một số địa phương bằng đường hàng không giảm, nhiều gia đình cũng nghỉ lễ tại gia do giá vé máy bay tăng cao. Câu chuyện vé máy bay đắt đỏ đã trở thành vấn đề được rất nhiều người quan tâm, thậm chí bức xúc.

Là một trong những địa phương được đánh giá ảnh hưởng nặng nề nhất do giá vé máy bay tăng cao, tỉnh Kiên Giang ghi nhận lượng khách nội địa mùa lễ vừa qua giảm tới 36%. Ông Trần Văn Linh - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng, do tác động từ giá vé, giá dịch vụ khá cao, đã làm giảm sự cạnh tranh của TP. Phú Quốc. Trong 4 tháng đầu năm, Phú Quốc kỳ vọng rất nhiều vào lượng khách nội địa, song chỉ tăng 7%, trong khi khách quốc tế tăng 20%.

anh-man-hinh-2024-05-18-luc-23.59.58.png
Nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu khai mạc hội thảo

Giá vé cao, các hãng hàng không vẫn "khó"?

Về nguyên tắc, bán đắt thì lãi cao, lời nhiều, thế nhưng các hãng hàng không đều cho rằng, bức tranh kinh tế của toàn ngành vẫn đầy khó khăn, thách thức.

Đơn cử, Vietnam Airlines dù lãi đậm trở lại trong quý 1 vừa rồi nhưng vẫn còn khoản lỗ lũy kế tới 36.742 tỉ đồng sau một thời gian dài hoạt động lợi nhuận âm. Lãi quý 1 phần lớn đến từ mục "xóa nợ" 3.030 tỉ đồng và thanh lý, nhượng bán tài sản cố định hơn 568 tỉ đồng, chứ không phải từ giá vé đắt đỏ như nhiều người vẫn tưởng.

Bamboo Airways thì vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hẹp chỉ còn 7 - 8 tàu bay, dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả. Pacific Airlines đã trả hết tàu bay từ cuối tháng 3. Vietravel Airlines chỉ có 3 tàu bay và hầu như chỉ tập trung khai thác nguồn khách du lịch trong hệ sinh thái.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ: "Chúng tôi có thể cố gắng co kéo đâu đó trong khoảng 10% chi phí, nhưng lợi nhuận của ngành hàng không trên thế giới cũng như Việt Nam hiện đã rất mỏng rồi. Chúng tôi chỉ lãi khoảng 1 USD/khách. Nếu một chuyến bay vào tới Tân Sơn Nhất gặp yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông, phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD này cũng bay theo luôn".

Mới tuần trước, Cục Hàng không đã có kết quả rà soát giá vé, việc niêm yết giá vé của bốn hãng hàng không cho thấy, vé tăng nhưng không vượt trần. Việc niêm yết giá vé đều công khai minh bạch. Đặc biệt, giá vé cao thậm chí còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Đại diện ACV cũng nói thu các khoản phí rất thấp, chỉ khoảng 100.000 đồng/đầu khách... Vậy, vì sao giá vé máy bay nội địa cao?

Giá vé máy bay cao là do nhiều yếu tố

Ông Đặng Anh Tuấn cho rằng, có rất nhiều yếu tố khách quan đang tác động trực tiếp đẩy giá vé máy bay tăng. Đầu tiên là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Đơn cử với xăng dầu, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỷ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức chi phí đội lên của VNA do nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không.

anh-man-hinh-2024-05-19-luc-00.01.36.png
Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines

Ông Trương Việt Cường - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways nhận định rằng, nguyên nhân nữa đến từ việc chi phí thuê máy bay tăng. Chi phí này chiếm từ 55 - 60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không. Chi phí này luôn theo xu hướng bất lợi đối với các hãng hàng không trong giai đoạn gần đây. "Ví dụ, mới khoảng vài tháng trước, chúng tôi muốn thuê một tàu bay (thuê ướt) dưới 3.000 USD/giờ nhưng hiện kiếm một tàu bay với giá 4.000 USD/giờ rất khó. Thuê khô còn khó khăn hơn", ông Cường dẫn chứng.

Ngoài ra, nhóm chi phí theo quy định của Nhà nước bao gồm thuế phí và các loại chi phí cho chuyến bay, thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế VAT... hiện đang là cố định. Do đó, trong thời điểm khó khăn, sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ mới hạ nhiệt được giá vé máy bay

Theo các chuyên gia, cần nhiều biện pháp kết hợp cùng thời điểm mới mong "có được giá vé máy bay hợp lý".

Ông Nguyễn Bác Toán - Phó tổng giám đốc thương mại Vietjet Air, nhấn mạnh, cần có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác tại các cảng hàng không. Từ đó giảm thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất, tăng năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm để tăng cường các chuyến bay đêm phục vụ hành khách.

Ngoài ra, cần xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách quay trở lại với thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi các thông tin từ hãng hàng không để có được giá vé máy bay hợp lý cũng như hỗ trợ ngành hàng không lên kế hoạch và chủ động hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt là những dịp cao điểm lễ, tết…

anh-man-hinh-2024-05-19-luc-00.03.32.png
Các khách mời 'hiến kế' nhằm tiếp tục hạ nhiệt giá vé máy bay

Còn theo ông Trương Việt Cường, giải pháp quan trọng nhất là cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. "Quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay như thế nào thì theo tôi còn có một chút bất cập. Ngoài ra, trước đây là Chính phủ đã có chính sách giảm 50% phí điều hành bay, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Cường nhấn mạnh.

Về phía các địa phương có nguồn thu lớn từ du lịch, ông Cường đề xuất cũng nên có chính sách hỗ trợ cho du khách. "Đơn cử như chuyến bay đến Côn Đảo, nếu có sự chia sẻ của địa phương thì có lẽ chúng tôi đã không phải ngừng chuyến bay này. Thực tế, dù giá vé rất cao nhưng Bamboo Airways bay không có lãi vì chi phí quá lớn. Các địa phương có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp cho du khách mua vé máy bay", ông Cường nói.

Tiếp tục tìm cách giảm thêm giá vé máy bay

Ông Đỗ Hồng Cầm - Cục phó Cục Hàng không chia sẻ rằng: "Chúng tôi cũng đã xem xét ở cả góc độ mức giá vé có vượt quá sức chịu đựng của thị trường, khách hàng hay không? Ở góc độ này thì dải giá vé thấp vẫn chiếm từ 60 - 70% tổng số vé và mức giá ở mức đa số khách hàng có thể tiếp cận được. Sự bức xúc của khách hàng nằm ở phân khúc giá cao. Ở phân khúc này, mức chênh lệch còn tùy hãng và thời điểm bay, mang tính đặc thù cao. Cả ngành hàng không từ các hãng bay đến cơ quan quản lý không thờ ơ với khách hàng, xã hội. Thực tế, giá vé máy bay đang hạ nhiệt nhưng Cục Hàng không và các hãng bay sẽ ngồi lại với nhau để tìm cách tiếp tục hạ nhiệt giá vé máy bay nữa".

Hà Mai-K Hưng