Các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% không được tăng vốn cho công ty con
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 51/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
Được biết, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có một số nội dung thay đổi so với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) như quy định việc góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành thay vì quy định việc góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Vì vậy, khi thực hiện góp vốn hay tăng thêm vốn, về bản chất, tổ chức tín dụng đều dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp và phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần… trước và sau khi thực hiện. Do đó, cần bổ sung vào nội dung Thông tư 51 trường hợp tổ chức tín dụng tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết.
Từ các cơ sở nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 51 là cần thiết để các tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Dự thảo Thông tư bổ sung Điều 6a về điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.
Trong đó, tổ chức tín dụng khi tăng vốn tại công ty con (trừ công ty con là công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản) phải đáp ứng một số điều kiện sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn và tại thời điểm hoàn tất việc tăng vốn.
Thứ hai, đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn và tại thời điểm hoàn tất việc tăng vốn.
Thứ ba, giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm thực hiện tăng vốn và tại thời điểm hoàn tất việc tăng vốn không thấp hơn mức vốn pháp định.
Thứ tư, kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm thực hiện tăng vốn đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.
Thứ năm, không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn.
Thứ sáu, có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ nhỏ hơn 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng thực hiện tăng vốn.
Thứ bảy, đảm bảo có số lượng thành viên, cơ cấu, nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thực hiện tăng vốn.
Đối với công ty con, công ty liên kết được tăng vốn, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các doanh nghiệp này phải có lãi trong 3 năm trước khi tăng vốn hoặc có lãi từ thời điểm thành lập đến khi được tăng vốn và không có lỗ lũy kế đến thời điểm được tổ chức tín dụng thực hiện tăng vốn. Đồng thời, không bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hoạt động.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bổ sung quy định loại trừ các trường hợp tăng vốn đặc thù tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng được can thiệp sớm/kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tại phạm vi điều chỉnh.