Pháp luật

Trưởng khoa trường đại học bị tố vì làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân

L.H 15/05/2024 19:06

PGS-TS. Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Công Thương TP.HCM, đồng thời làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân đang bị nhiều giảng viên tố vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế cho giảng viên tham gia vào thực tế doanh nghiệp để nghiên cứu, giảng dạy tốt hơn.

Theo phản ánh của các giảng viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM, dù là trưởng khoa nhưng nhiều năm nay, PGS-TS. Lê Nguyễn Đoan Duy là đại diện pháp luật Công ty Cổ phần hóa chất Á Châu, chi nhánh Đồng Nai, Giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn nguyên liệu Á Châu (AIG).

Do bận rộn với việc kinh doanh nên ông Duy không còn nhiều thời gian cho công tác lãnh đạo khoa, giảng dạy trong trường. Theo đó, ông Duy đang vi phạm các quy định của Luật Viên chức 2010 về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định.

le-nguyen-doan-duy-ban-sao-2.jpg
PGS-TS. Lê Nguyễn Đoan Duy cho rằng hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc theo quy định hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ Online, ông Lê Nguyễn Đoan Duy cho biết ông công tác tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM từ ngày 21/7/2020. Hợp đồng của ông có thời hạn 5 năm, sẽ kết thúc vào 30/6/2025. Hiện, những công việc tại trường cũng như tại doanh nghiệp đều theo đúng yêu cầu và cam kết của ông với trường. Ông Duy cũng khẳng định, từ tháng 7/2020 đến nay, ông luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị giảng viên và quản lý khoa.

Ông Duy cho rằng, Trường Đại học Công Thương TP.HCM là trường tự chủ về tài chính và đào tạo sinh viên theo định hướng ứng dụng, vì vậy luôn có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp. Do đó, việc ông hợp tác với một tập đoàn tư nhân trong vai trò giám đốc công nghệ/giám đốc phát triển và là đại diện pháp luật của chi nhánh Đồng Nai thuộc công ty hóa chất từ tháng 12/2020 là công việc có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn ngành công nghệ thực phẩm. Hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc này hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên được đào tạo và tiếp xúc với thực tế tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, Trường cũng thực hiện học kỳ doanh nghiệp, trong đó sinh viên thực hiện đề tài tốt nghiệp trực tiếp tại doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của giảng viên doanh nghiệp và các cán bộ này cũng sẽ tham gia vào hội đồng chấm tốt nghiệp. Vì vậy nhà trường luôn khuyến khích cán bộ làm việc cùng doanh nghiệp để hiểu rõ nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sinh viên.

Đồng thời, ông cho biết, hiện, ở trường cũng có rất nhiều thầy cô làm việc cùng doanh nghiệp, thậm chí mở doanh nghiệp riêng để ứng dụng những đề tài nghiên cứu vào sản xuất thực tế.

Chia sẻ quan điểm về việc này trên báo Tuổi Trẻ Online, PGS-TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết, khi nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu ông Lê Nguyễn Đoan Duy giải trình và sau đó đã có các buổi làm việc để làm rõ.

ts-doan-duy-2.jpg
PGS-TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM (bên trái) và PGS-TS. Lê Nguyễn Đoan Duy tại một sự kiện

Theo đó, ông Duy là trưởng khoa đồng thời làm giám đốc, đại diện pháp luật của doanh nghiệp ngoài trường là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty ông Duy đứng tên đại diện pháp luật không có hoạt động. Và công ty ông Duy làm giám đốc này không liên quan hay là "sân sau" gì của trường.

Sau các buổi làm việc về vấn đề này, ông Duy đã chuyển đổi người đứng đầu chi nhánh công ty cho người khác. PGS-TS. Nguyễn Xuân Hoàn cũng đánh giá Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Lê Nguyễn Đoan Duy có chuyên môn tốt. Khoa hoạt động rất tốt và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM chia sẻ thêm, trong cuộc họp đầu năm 2024, ông đã nêu rõ quan điểm của trường là khuyến khích cán bộ giảng viên gắn kết hoạt động chuyên môn với doanh nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy.

Chia sẻ trong chương trình Đại học khởi nghiệp của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, hiện nay chương trình ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ từ các trường còn rất nhiều khó khăn. Luật viên chức có quy định những người quản lý trong các viện, trường công lập thì không được tham gia điều hành các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những người tham gia điều hành doanh nghiệp nhưng một thời gian họ bán doanh nghiệp ấy cho các quỹ đầu tư hay các doanh nghiệp lớn hơn, quay trở lại trường tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy để có thể tạo ra một sản phẩm mới, một doanh nghiệp mới. Sự chuyển ra và chuyển vào như thế này ở các trường công lập còn rất khó khăn.

TS. Phạm Hồng Quất nhận định, những luật đó ban hành từ thời gian trước, trong khi xu hướng của các mô hình doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ hiện nay phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó, Cục đang nghiên cứu, rà soát những rào cản này để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, Luật Viên chức rất tốt, rất hiệu quả trong thời gian qua, nhưng khi cuộc sống thay đổi thì bắt buộc mọi thứ cũng phải đổi thay. Ông Trung chia sẻ trong talkshow Đại học khởi nghiệp: "Hiện, Luật Viên chức áp dụng cụ thể cho ngành giáo dục như thế này thì rất khó để giảng viên có dư địa để vừa giảng dạy vừa làm nhà khoa học mà lại vừa là một nhà doanh nghiệp, tức là trải nghiệm trên cả ba khía cạnh".

Theo ông Trung, thầy giáo đại học khác thầy giáo phổ thông, đặc biệt ở các trường kỹ thuật và kinh tế. Khi các thầy tham gia thực tế vào các doanh nghiệp thì sẽ có nhiều trải nghiệm, gia tăng tri thức và giúp các thầy dạy, nghiên cứu tốt hơn nữa. Từ đó, truyền đạt tri thức tốt hơn cho thế hệ sinh viên sau này. Do đó, cần phải có những quy định mới tháo gỡ bớt những ràng buộc đó.

L.H