Sách và tôi

Để phỏng vấn tuyển dụng “trăm trận trăm thắng”

Phạm Huệ Đan (*) 13/05/2024 11:31

Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt và mỗi người nên bán loại hàng hóa này với giá tốt nhất. Hay nói cách khác, bản chất của một cuộc tuyển dụng là quá trình mà tổ chức lựa chọn ứng viên phù hợp nhất cho vị trí công việc cụ thể, vì vậy, tôi kịch liệt phản đối từ “xin việc”.

Cú sốc đầu đời vì phỏng vấn trượt

Tôi đã viết những dòng chữ mở đầu trong quyển sách của mình như thế này: “Nói thật, tôi viết rồi xóa phần mở đầu của cuốn sách này không biết bao nhiêu lần. Viết rồi xóa, xóa rồi lại viết. Tôi cũng đã đổi vài địa điểm để lấy cảm hứng: Lên rừng có, xuống biển có, ngồi trong biệt thự có mà ra mương hít gió đồng nội pha lẫn mùi cỏ cháy thoảng mùi phân bò cũng có nốt… Viết, sửa, xóa; xóa, sửa, viết; sửa, viết, xóa… cuốn sách do mình viết, quả thực rất khó và hàng chục lần lặp lại như vậy khiến tôi có lúc muốn bỏ ý định viết và sợ rằng, những bạn trẻ đọc “25 bí quyết vàng trong tuyển dụng trăm trận trăm thắng” sẽ không “thấm được” những gì tôi muốn truyền tải. Thế hệ 8X chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm, vấp váp, nhưng rất có thể với thế hệ Gen Z, thậm chí Gen Alpha thì những điều tôi viết có thể không “chạm được” vào các bạn, huống hồ là việc thực hành theo.

27-tuyen-dung.jpg

Là một người duy mỹ và cũng thích ngôn từ đẹp, nhưng lại có một “cái bệnh” là hay nói dài, viết dài vì sợ người khác không hiểu hết ý. Vậy nên việc khó nhất với tôi là làm sao viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Viết đã đưa tôi đến với một hành trình mới - hành trình kiến tạo bản thân và một lần nữa ngược dòng thời gian để nhìn lại mình của mấy chục năm về trước khi “cú sốc đầu đời” là trượt phỏng vấn.

Tôi cũng đã viết lại câu chuyện nhỏ ấy trong cuốn sách đầu tay.

Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học và “dắt túi” thêm văn bằng luật doanh nghiệp, chứng chỉ kế toán viên, tin học văn phòng và tiếng Anh lưu loát, tôi chuẩn bị một bộ hồ sơ chỉn chu, hăm hở bước vào kỳ tuyển dụng đầu tiên, ứng tuyển vị trí tư vấn - chăm sóc khách hàng tại một công ty. Nhưng trái ngược với kỳ vọng và niềm hân hoan lúc đi phỏng vấn, tôi đã rời công ty đó trong trạng thái buồn bã và thậm chí khi đi trên chiếc Wave trở về nhà, tôi đã nghĩ mình vô dụng và nghi ngờ bản thân.

Sau rất nhiều tháng năm, câu nói của nhà tuyển dụng “giọng nói của em không có linh hồn” vẫn văng vẳng bên tai, ám ảnh tôi. Và tôi không thể nào quên được gương mặt của vị đại diện ban tuyển dụng lúc đó.

Cơ hội chỉ đến một lần

Trừ lần đầu tiên trượt phỏng vấn trong sự ngỡ ngàng của chính mình thì những lần sau, tôi không còn gặp bất kỳ rào cản nào trong quá trình ứng tuyển vào các vị trí mơ ước.

Cuốn sách đầu tay hoàn thành khi tôi đã là một phụ nữ ba con, và trong suốt thời điểm mang thai em bé thứ ba, tôi đều suy ngẫm về nó mỗi ngày. “25 bí quyết vàng trong phỏng vấn tuyển dụng trăm trận trăm thắng” đã hoàn thành và ra mắt khi em bé được hơn 10 tháng tuổi. Có lẽ với nhiều người, thời điểm mang thai và sau sinh là một giai đoạn thử thách. Cá nhân tôi cũng như vậy, nhưng tôi cho rằng, đó cũng là giai đoạn người phụ nữ được thăng hoa bao cảm xúc.

Đó cũng là một phần lý do tôi muốn được viết và chia sẻ về những bí quyết giúp các bạn trẻ ngày nay bước vào bàn đàm phán trong tâm thế tự tin, tránh rơi vào cảm giác tự ty như tôi của mấy chục năm trước. Từ trải nghiệm thực tế trong vai trò một người đã tham gia một số cuộc phỏng vấn ứng tuyển cũng như là vai trò của một thành viên ngồi trong bàn tuyển dụng của nhiều tập đoàn, tôi nhận thấy thế hệ ngày nay trưởng thành và được tiếp cận với công nghệ sớm hơn tôi trước đây, kỹ năng chuyên môn tốt nhưng kỹ năng mềm lại chưa được như vậy và không có mục tiêu rõ ràng trong công việc, cuộc sống.

Có một điều tôi luôn nhấn mạnh, dù trong cuốn sách hay trong những lần chia sẻ với các bạn trẻ, thế giới ngày nay đã không còn cơ chế xin cho, quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động là bình đẳng, tất cả đều dựa trên quy luật của thị trường lao động. Và sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt và mỗi người nên bán loại hàng hóa này với giá tốt nhất. Hay nói cách khác, bản chất của một cuộc tuyển dụng là quá trình mà tổ chức lựa chọn ứng viên phù hợp nhất cho vị trí công việc cụ thể, vì vậy, tôi kịch liệt phản đối từ “xin việc”.

Với tôi, đi phỏng vấn ứng tuyển là đi “đàm phán” mua bán một loại sản phẩm đặc biệt, đó chính là sức lao động được tổng hợp từ kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng. Và để bước vào một đợt phỏng vấn, dù ở công việc, lĩnh vực nào cũng đều có những điểm chung, cần chuẩn bị kỹ, không chỉ là bằng cấp, chuyên môn mà còn ứng xử linh hoạt trong nhiều tình huống. Nào là giới thiệu bản thân thế nào cho ấn tượng, khi được yêu cầu mô tả về kinh nghiệm công việc cũ thì phải làm sao, và cả trang phục, tóc tai nữa. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi được phỏng vấn chưa bao giờ là thừa, bởi cơ hội đôi khi chỉ đến một lần và sự chuẩn bị của một người với một công việc bất kỳ đều phản ánh rõ nét chính con người đó.

Điều đặc biệt với cuốn sách đầu tay này là tôi đã chọn 9 đối tác, cộng sự, họ đều là những người đã được tôi truyền cảm hứng, và họ cũng là những người đã truyền cảm hứng đến tôi, để phản ảnh. Những doanh nhân này đều có câu chuyện khởi nghiệp thú vị và tôi nghĩ rằng tôi có thể đúc kết để các bạn trẻ tham khảo.

Tôi hy vọng những nội dung trong cuốn sách, từ bản chất của phỏng vấn tuyển dụng đến những bí quyết để đã “ra quân” là giành thắng lợi, hay bí quyết làm việc hiệu quả dành cho nhân viên mới sẽ giúp người trẻ kiến thức thực tế có giá trị để các bạn vững vàng hơn trên hành trình khởi nghiệp và bước vào thị trường lao động với tâm thế vững vàng nhất.

(*) Founder và CEO Học viện Master Đẹp
(Ka Mi ghi)

Phạm Huệ Đan tốt nghiệp ngành quản trị tài chính, tiếng Anh tại Trường Đại học Hà Nội và ngành luật doanh nghiệp tại Viện Đại học Mở Hà Nội. Từng làm việc tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dược phẩm Nhất Nhất, GroupG Asia Pacific, IBM Watson Health.
- Hoa hậu Doanh nhân Hoàn cầu 2019.
- Founder Cộng đồng Happy Mom and Kid Club.

Phạm Huệ Đan (*)