Hoạt động

Để giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia thị trường carbon

Tâm An 13/05/2024 - 08:15

Vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tổ chức buổi cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 76 với Chủ đề “Tín chỉ carbon ai bán, ai mua ?”.

Tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho biết, thời gian qua, TP.HCM ghi nhận nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường… cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn băn khoăn, không biết mình thuộc diện phải mua hay được bán tín chỉ carbon, bởi hiện nay Việt Nam chưa có hạn ngạch phát thải khí nhà kính cụ thể. Vì thế, ông Hòa mong muốn HUBA được nghe nhiều hơn ý kiến các chuyên gia, từ đó giúp DN hội viên xây dựng giải pháp, lộ trình, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hướng tới phát triển bền vững.

toan9685.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ tại chương trình

TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên hiệp quốc cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới.

"Để có thể tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn lòng đầu tư vào công nghệ sạch và chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh. Kết quả tín chỉ carbon không phải một sớm một chiều là có được, thời gian ít nhất phải từ 3 năm cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo công ty", ông Nam cho biết.

Chia sẻ về thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM, ông Cao Tung Sơn - Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, dự kiến số lượng các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2023, 2024 là 157 cơ sở.

Ông Sơn cho biết, TP.HCM đang hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở, nếu cơ sở đáp ứng các yêu cầu sẽ được Bộ Tài nguyên và môi trường phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tổ chức cá nhân muốn kinh doanh tín chỉ carbon phải nộp đơn đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống đăng ký quốc gia.

toan9847.jpg
TS. Nguyễn Phương Nam khẳng định, DN phải có tầm nhìn về phát triển bền vững

Còn theo Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM Nguyễn Quang Thanh, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của TP.HCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD.

Cụ thể, với dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, chi phí đầu tư khoảng 405,1 triệu USD, thời hạn 15 năm, có thể giảm phát thải khoảng 12,3 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 206,9 triệu USD. Dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chi phí đầu tư khoảng 280 triệu USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 3,8 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 64,5 triệu USD; dự án nâng cấp đèn LED (131,358 đèn), mức chi phí đầu tư khoảng 20,1 triệu USD, thời hạn 10 năm, giảm phát thải khoảng 0,5 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 7,4 triệu USD. Dự án, nâng cấp xe máy điện (7,9 triệu xe cá nhân, 0,2 triệu xe dịch vụ), mức chi phí khoảng 6,9 tỷ USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 34,6 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon đạt hơn 579 triệu USD.

Được biết, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển xanh, HUBA triển khai chương trình “Giải thưởng doanh nghiệp xanh”, trong năm 2023, Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng xanh cho 90 doanh nghiệp. Phát triển xanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia thị trường carbon.

Lộ trình phát triển thị trường carbon ở Việt Nam theo ba giai đoạn. Từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Giai đoạn 2027 sẽ xây dựng quy định, hoạt động trao đổi quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon trong khu vực và thế giới.

Tâm An