Văn hóa nghệ thuật

Khẩu chiến trong phê bình phim Việt: Lợi và hại

Phước Châu 12/05/2024 11:16

Vừa qua, khi vừa khởi chiếu ít ngày, phim Cái giá của hạnh phúc đã vấp phải lời phê phán mạnh mẽ từ một nhà phê bình phim có tiếng trong nước.

Bộ phim Cái giá của hạnh phúc của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm với sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Hữu Châu, Thái Hòa cùng với cựu người mẫu, diễn viên Xuân Lan vào vai nữ chính. Phim thuộc thể loại bi kịch.

thumbnail-673-tr25.jpg
Cảnh trong phim Cái giá của hạnh phúc

Từng đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé thị trường phim chiếu rạp Việt Nam khi mới vừa ra rạp, Cái giá của hạnh phúc (khởi chiếu từ ngày 19/4/2024) hiện đang rớt hạng dần với doanh thu sụt giảm từng ngày.

Những tưởng chuyện như thế cũng là lẽ thường tình, bởi sau một tuần Cái giá của hạnh phúc công chiếu thì phim Lật mặt 7 của đạo diễn Lý Hải đã ra rạp (khởi chiếu từ ngày 26/4/2024) nhanh chóng “phủ sóng” về truyền thông, và nhất là về độ nhận diện của công chúng dành cho một bộ phim vốn dĩ nằm trong chuỗi phim thương hiệu “đình đám” trước giờ của Lý Hải.

Trong bối cảnh cạnh tranh phòng vé căng thẳng, Cái giá của hạnh phúc lại tiếp tục nhận lãnh một bài phê phán từ nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm - một tên tuổi quen thuộc với giới làm truyền thông và làm phim trong nước. Nữ diễn viên chính Xuân Lan, cũng đồng thời là nhà sản xuất Cái giá của hạnh phúc đã chính thức lên tiếng phản bác nhà phê bình phim trên mạng xã hội. Sự phản biện qua lại này đồng thời kéo theo sự nhập cuộc sôi nổi của cư dân mạng, cả với báo chí.

Việc nhà sản xuất Cái giá của hạnh phúc chọn phản biện với một nhà phê bình phim có tiếng, xem ra là một tín hiệu tốt cho hình thái tự cân bằng quyền lực truyền thông trong dư luận thời đương đại. Hơn thế nữa, điều này dường như cũng đã giúp phá vỡ thế “độc quyền chân lý” đang nghiễm nhiên tồn tại lâu năm trong ngành giải trí Việt, phần nhiều mang tính áp đặt từ phía những cơ quan ngôn luận chính thức lẫn người dẫn dắt dư luận vốn có “tiếng nói” đáng kể trên mạng xã hội.

“Trong lúc nhà sản xuất phim Cái giá của hạnh phúc vào cuộc “khẩu chiến” cùng nhà phê bình phim, mạng xã hội cũng “phê bình kéo theo” với nhiều ý kiến gây tranh cãi rằng, Cục Điện ảnh Việt Nam cấp phép phổ biến phim có nội dung “drama” (mang ý nghĩa tiêu cực, gây phiền toái) như thế là sai luật, tạo nên một điểm nhìn cực đoan không chỉ riêng với bộ phim liên quan mà còn với ngành phim Việt. - “Phê bình phim một cách quá đà sẽ gây nhiễu nhương và lệch lạc về truyền thông”.

Việc phản biện của các nhà làm phim với truyền thông và giới phê bình là hành xử bình thường của giới làm phim quốc tế. Chẳng hạn, đạo diễn Stanley Kubrick (1928-1999) người Mỹ gốc Do Thái hầu như luôn tranh luận với giới phê bình điện ảnh về những bộ phim của mình mỗi khi phim vấp phải sự dè bỉu. Bất kể phim gây nghi ngờ do ông đạo diễn, về sau đều là những phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới. Như với trường hợp phim The Shining (tạm dịch: Thị kiến) ra mắt năm 1980, từng nhận rất nhiều bình luận tiêu cực từ giới phê bình phim, thậm chí còn nhận được hai đề cử gây sốc trong hạng mục “Đạo diễn tệ nhất” và “Nữ diễn viên tệ nhất” tại Giải Mâm xôi vàng tổ chức lần đầu tiên vào năm 1981. Dĩ nhiên, những gì sau đó đã thuộc về lịch sử điện ảnh thế giới.

Hay với nhà làm phim kỳ tài Francis Ford Coppola (sinh năm 1939), từng thực hiện bộ phim gây tranh cãi về chiến tranh Việt Nam ngay từ giai đoạn sản xuất, đó là phim Apocalypse now, ra mắt năm 1979. Trước khi phim phát hành, nhà làm phim này đã phải tranh biện với sự nghi ngờ từ truyền thông lẫn giới phê bình, khi bị nhìn nhận rằng đấy sẽ là bộ phim chấm dứt sự nghiệp của ông. Apocalypse now đã đoạt Giải Cành cọ vàng tại Liên hoan Phim Cannes 1979, đồng thời thắng lớn về doanh thu phòng vé toàn cầu. Mới gần đây, nhà làm phim kỳ cựu Ridley Scott (sinh năm 1937), từng được Nữ hoàng Anh quốc phong tước Hiệp sĩ (Sir) vì những đóng góp cho điện ảnh, khi thực hiện phim sử thi “Napoleon” về danh tướng vĩ đại người Pháp, đã bị giới phê bình Mỹ cũng như giới sử học Pháp phê phán kịch liệt về cách ông xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử. Ridley Scott cũng đã “đấu khẩu xuyên lục địa”, từ Anh sang Pháp và Mỹ, trên báo chí Anh và báo chí quốc tế, để phản biện mọi ý kiến phê bình phim có tính mạt sát.

Có thể thấy, phê bình và phản phê bình đều song hành trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, không thể thiếu và cũng rất thường tình với chuyện làm nghề. Điện ảnh Việt cần sớm thích nghi và đồng hành với đường hướng tiếp cận đa chiều thông tin, đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát truyền thông đa phương tiện thời nay.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn lại, liệu thực lực của các nhà làm phim Việt và nội hàm của những bộ phim Việt hiện tại có đủ để “cân bằng quyền lực” với giới phê bình phim như mong muốn hay không, hoặc với những luồng dư luận trái chiều? Nếu chỉ đơn thuần bộc phát cảm xúc mỗi khi bị “đụng chạm” vào “đứa con tinh thần” kiểu “của đau con xót”, nhà làm phim Việt có thể gặp phải nguy cơ bị cộng đồng nhận diện rõ nét hơn về những hạn chế trong phim, dẫn đến phản ứng ngược với hiệu ứng truyền thông tại thời điểm phim vẫn đang trụ rạp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu phòng vé.

Trước đó nhiều thập niên, vào thời điện ảnh “làn sóng mới” vừa khởi sinh tại Pháp vào cuối những năm 1950 cho đến xuyên suốt những năm 1960, các nhà làm phim chủ lưu của phong trào này như François Truffaut (1932-1984) và Jean - Luc Godard (1930-2022) đều xuất thân từ giới phê bình phim, vậy nên cũng sẵn sàng đấu khẩu không nhân nhượng với mọi ý kiến phản biện hoặc quy chụp phim do họ thực hiện.

Phước Châu