Quốc tế

Nhiều thành phố Trung Quốc bỏ bớt quy định mua nhà để kích cầu

Văn Phúc 10/05/2024 - 20:07

Một trong những thành phố giàu có nhất Trung Quốc vừa cho biết, họ sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc mua nhà. Đây là đô thị mới nhất trong số ngày càng nhiều thành phố muốn dỡ bỏ hạn chế mua nhà, nhằm tìm cách vực dậy thị trường bất động sản đang khó khăn.

Nhiều thành phố của Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế và yêu cầu tín dụng khắt khe, đối với việc mua nhà từ hơn 10 năm trước, trong nỗ lực giảm giá nhà và ngăn tình trạng đầu cơ.

kinh-te-trung-quoc-dang-gap-nhieu-kho-khan-anh-cnn.jpg
Bất động sản của Trung Quốc đang gặp khó khăn - Ảnh: CNN

Hiện tại, họ đang đảo ngược chính sách, nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế, đặc trưng bởi khủng hoảng nợ của các công ty bất động sản, nhu cầu mua nhà thấp và giá cả đi xuống.

Thành phố Hàng Châu - nơi sinh sống của 12,5 triệu người – vừa cho biết, họ đã dỡ bỏ mọi hạn chế mua nhà, để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường.

Hàng Châu là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn, nơi đặt trụ sở những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba - một trong những khu vực đắt đỏ nhưng hấp dẫn nhất để mua bất động sản tại Trung Quốc.

Thông báo này nhanh chóng thu hút hơn 150 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người dùng nghi ngờ, liệu động thái có tạo ra sự khác biệt nào hay không.

Một người vào bình luận với nội dung: “Với giá nhà ở Hàng Châu, hủy bỏ các hạn chế có ích gì? Chúng tôi không bao giờ đủ tiền để mua 1 ngôi nhà tại đây.”

Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Hàng Châu là dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Nếu điều này không thúc đẩy doanh số bán hàng, sẽ gặp nhiều rắc rối hơn, vì giá sẽ phải điều chỉnh giảm rất nhiều.

Theo một thống kê của AFP, hơn 20 thành phố Trung Quốc đã bãi bỏ các hạn chế mua nhà kể từ đầu năm 2023.

Thành phố Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên tháng trước cho biết, họ sẽ không xem xét hộ khẩu, an sinh xã hội và điều kiện khác của người mua nhà, trước khi giao dịch được tiến hành.

Một số thành phố lớn nhất, như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, đã dỡ bỏ một phần hạn chế, nhưng phản đối dỡ bỏ hoàn toàn.

Bất động sản và xây dựng chiếm hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, nhưng lĩnh vực này đang chịu áp lực chưa từng thấy từ năm 2020.

Năm đó, chính quyền thắt chặt khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển bất động sản, nhằm giảm những khoản nợ ngày càng tăng.

Từ thời điểm đó, các công ty lớn như Evergrande và Country Garden, từng bước đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi giá nhà giảm khiến người tiêu dùng không muốn đầu tư vào bất động sản.

Biện pháp do Chính phủ đưa ra để hỗ trợ ngành này cho đến nay, vẫn chưa có nhiều tác dụng. Chủ tịch Tập Cận Bình kiên định câu châm ngôn thường được nhắc đến của mình, “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch có thể chững lại, nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết thỏa đáng. Trường hợp không có phản ứng toàn diện với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, tăng trưởng có thể đi xuống, gây tổn hại cho các đối tác thương mại.

Văn Phúc