Thời sự

Nguy cơ khi nhiều đồng tiền châu Á mất giá mạnh

Khả Hân 10/5/2024 17:00

Một đồng tiền yếu hơn góp phần làm tăng nợ nước ngoài của các nước, và có thể gây ra khủng hoảng nợ, nhất là những nền kinh tế có nội lực tài chính yếu, dự trữ ngoại hối mỏng, liên tục thâm hụt ngân sách và cán cân thanh toán.

Mất giá mạnh, vì đâu?

Trong 4 tháng đầu năm nay, đồng yên Nhật đã mất giá gần 13% so với USD, đánh dấu tốc độ giảm giá mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong hơn ba năm, đồng yên Nhật rớt hơn 50% so với USD kể từ đầu năm 2021 đến nay, và về mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua - thời điểm năm 1990, sau khi “nền kinh tế bong bóng” nổi tiếng của Nhật Bản vỡ tung.

the-gioi-673.jpg
Diễn biến cặp tỷ giá USD/JPY từ năm 1990 đến nay

Có nhiều lý do giải thích cho sự lao dốc của đồng yên trong thời gian qua. Đầu tiên, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục nâng lãi suất từ năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức âm để kích thích nền kinh tế. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư đã vay đồng yên với lãi suất thấp để bán ra đầu tư vào đồng USD có lãi suất cao.

Điều này dẫn tới đồng yên liên tục giảm giá và khi đồng tiền này sụt giảm giá trị, các nhà đầu tư tiếp tục bán ra càng khiến đồng yên càng tuột dốc. Kế tiếp, doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản cũng không khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng yên, khiến nhu cầu càng giảm. Nền kinh tế Nhật Bản sau khi bị Trung Quốc vượt mặt, mới đây lại bị Đức vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và rơi vào suy thoái.

Chênh lệch lãi suất cũng là nguyên nhân khiến nhiều đồng tiền của các quốc gia khác giảm giá mạnh so với USD, khi dòng vốn đầu tư quốc tế chạy về lại Mỹ với lợi suất cao hơn. Trong khi đó, những rủi ro địa - chính trị và nguy cơ xung đột quân sự lan rộng ở Trung Đông hay cuộc chiến ở Ukraine càng khiến các nhà đầu tư tăng nhu cầu nắm giữ USD như một đồng tiền an toàn, khi Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.

Đơn cử như đồng won của Hàn Quốc cũng mất giá gần 7% so với USD trong cùng khoảng thời gian đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm gần 2% và đà mất giá có thể kéo dài sang nửa cuối năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế các nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài chậm lại. Tại Đông Nam Á, đồng bath Thái rớt hơn 8%, đồng rupiah của Indonesia mất giá gần 6%, đô la Singapore giảm 3%, đồng ringgit Malaysia rớt 4%, tiền đồng của Việt Nam giảm xấp xỉ 4,5%.

Ngay cả những đồng tiền mạnh của các quốc gia phát triển cũng không tránh khỏi xu hướng giảm giá so với USD, từ euro, bảng Anh, đô la Úc, đô la Canada cho đến đồng franc của Thụy Sĩ. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ gồm các đồng tiền mạnh đã tăng 5% từ đầu năm đến nay, lên mức 106.

Một báo cáo mới đây của Bank of America (BofA) đã tỏ ra bi quan về hàng loạt đồng tiền châu Á, cho rằng đó là điểm khởi đầu của “kỷ nguyên hỗn loạn”. Nhiều đồng tiền đang chịu ảnh hưởng khi FED hoãn việc giảm lãi suất và đồng USD tăng giá trở lại. FED có thể giảm lãi suất sang tháng 9/2024, đồng thời dự báo chỉ có hai đợt giảm trong năm nay.

Phản ứng và can thiệp

Đồng bản tệ suy yếu giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản tăng lợi thế cạnh tranh thương mại cùng với thu hút khách du lịch quốc tế nhiều hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến một số quốc gia khác vì muốn cạnh tranh hàng xuất khẩu buộc phải phá giá đồng tiền, khi mà đồng tiền của các đối tác thương mại khác đã giảm giá quá mạnh.

Tuy nhiên, một đồng tiền yếu hơn cũng góp phần làm tăng nợ nước ngoài của các nước và có thể gây ra cuộc khủng hoảng nợ, nhất là những nền kinh tế có nội lực tài chính yếu, dự trữ ngoại hối mỏng và liên tục thâm hụt ngân sách và cán cân thanh toán. Trong khi đó, với những quốc gia có nền thương mại mạnh mẽ như Nhật Bản, đồng yên suy yếu càng khiến các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản quyết định giữ tiền ở nước ngoài, nơi có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn.

Áp lực lạm phát cũng có thể gia tăng khi giá của các mặt hàng nhập khẩu cao hơn, nhất là các quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng và lương thực nhập khẩu, vốn giá đã gia tăng mạnh trong thời gian qua. Theo Giám đốc Điều hành Quỹ Tài sản Norges Bank Investment Management (NBIM) - Nicolai Tangen, thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động và mối lo ngại của các nhà đầu tư hiện nay là sự hồi phục của giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát.

Đáng lưu ý, việc đồng nội tệ mất giá mạnh cũng gây áp lực lên chính sách tiền tệ của các nước và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước tình hình ấy, một số quốc gia đã bắt đầu hành động. BOJ gần đây cho biết có thể tăng lãi suất thêm nếu tác động của đồng yên suy yếu quá lớn. Ngày 9/3, BOJ chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm trên thế giới, đưa lãi suất ngắn hạn lên mức khoảng 0-0,1%, từ mức âm 0,1%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên tại Nhật kể từ năm 2007.

Các nhà giao dịch ước tính BOJ trong tuần trước đã bán ra gần 59 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, nhờ đó, đồng yên có tuần tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây, dù trước đó đồng tiền này đã chạm đáy của 34 năm ở mức 160,245 yên đổi 1 USD. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại về sự đang lên mạnh của đồng USD.

Tại châu Á, nhiều NHTƯ khác cũng phát tín hiệu bảo vệ đồng nội tệ. Đơn cử như NHTƯ Thái Lan (BoT) cho biết có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để giúp ổn định bất kỳ biến động quá mức nào của đồng baht, đồng thời lưu ý lãi suất chính sách hiện tại rất mạnh và có lợi cho sự phục hồi kinh tế. Theo BoT, việc cắt giảm lãi suất giúp giảm nợ trong ngắn hạn nhưng cũng có thể gây ra rủi ro trong dài hạn, nên bằng cách giữ lãi suất ổn định ở mức 2,50%.

Ngày 24/4, NHTƯ Indonesia (BI) cũng bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Động thái ấy của BI nhằm bảo vệ đồng rupiah đang giao dịch ở mức thấp nhất gần 4 năm, trong bối cảnh nhiều đồng tiền châu Á chịu áp lực lớn từ đồng USD mạnh và dự báo Mỹ duy trì lãi suất cao lâu hơn.

Áp lực lạm phát cũng có thể gia tăng khi giá của các mặt hàng nhập khẩu cao hơn, nhất là các quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng và lương thực nhập khẩu vốn giá đã gia tăng mạnh trong thời gian qua vì ảnh hưởng bởi căng thẳng địa - chính trị.

Khả Hân